Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội đồng hành, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phát triển tour đêm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 12/7, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm “Nâng tầm giá trị điểm đến” qua đó hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phát triển loại hình du lịch này.

Tại hội nghị, Sở Du lịch  TP Hồ Chí Minh giới thiệu một số các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đã được ngành du lịch xây dựng tour khảm phá trải nghiệm văn hóa, lịch sử như: di tích bến cảng  Nhà  Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, sản phẩm OCOP.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 366 điểm di tích văn hóa và đã xây dựng được 49 tour khám phá TP nhưng trong đó chỉ có 3 tour đêm.

Khách du lịch tham gia tour đêm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham gia tour đêm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy hiện du lịch Hà Nội đang vận hành một lượng lớn tour đêm gắn với di tích lịch sử, văn hóa như tour đêm Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám… đây là mô hình mà  du lịch TP Hồ Chí Minh nên học hỏi để phát triển loại hình du lịch này.

Tại buổi tọa đàm thông tin về các làm hay tạo ra sự thành công của tour đêm, các doanh nghiệp Hà Nội có chung phản ánh, các tour thành công đều có một điểm chung là khai thác hiệu quả giá trị văn hóa đặc trưng của di sản, địa phương.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với các điểm di tích, việc xây dựng tour đêm mang ý nghĩa về xây dựng thương hiệu, thu hút du khách đến thăm quan vào ban ngày. “Di tích Nhà tù Hỏa Lò sau khi phối hợp với đơn vị xây dựng tour đêm lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan vào ban ngày tăng 46% so với thời điểm chưa triển khai du lịch đêm”-ông Hùng nêu ví dụ.

Các đại biểu du lịch 2 TP tham gia tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam
Các đại biểu du lịch 2 TP tham gia tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty du lịch bền vững AZA Nguyễn Tiến Đạt và các doanh nghiệp lữ hành có chung ý kiến, để thành công trong xây dựng tour đêm đòi hỏi sự kết hợp giữa doanh nghiệp lữ hành với điểm đến. Trong đó đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp phải hiểu rõ về những nét đặc sắc của điểm đến từ đó xây dựng sản phẩm đặc trưng.

Du lịch TP Hồ Chí Minh nên khai thác các điểm du lịch-văn hóa như bến Nhà Rồng, dinh Thống Nhất theo hướng có những chương trình biểu diễn văn hóa địa phương, xây dựng trải nghiệm cho du khách. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch có được những cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng tour theo hướng xã hội hóa.

Tour du lịch đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoài Nam
Tour du lịch đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoài Nam

Để ngành du lịch TP Hà Nội và Hồ Chí Minh phát triển du lịch đêm, dưới góc độ chuyên gia, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương nêu rõ, du lịch đêm bao gồm hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng, trải nghiệm điểm đến của du khách. Vì vậy để phát triển kinh tế đếm cần nhà nước điều chinh quy hoạch các điểm vui chơi giải trí sao cho phù hợp thực tế.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến cần đẩy mạnh kết nối xây dựng tour quy mô lớn làm trụ cột cho du lịch đêm hoạt động, không nên du trì những tour đơn lẻ như hiện nay. “Việc thiếu những tour quy mô lớn cũng như điểm mua sắm dành cho du khách nên hiện du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ chi trung bình 5,5 USD/khách, trong khi tại Thái Lan là 30 USD”-ông Lương dẫn chứng.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chuyên gia Phạm Trung Lương cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có Luật Du lịch nhưng lại thiếu những chính sách kích thích kinh tế đêm phát triển.

“Vì vậy đề nghị cơ quan quản lý trong quá trình triển khai bộ luật cần bổ sung thêm những quy định phân cấp, phân quyền cho cho địa phương. Qua đó các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đêm quy mô lớn  phù hợp thực tế”-ông Lương kiến nghị.