Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội sàng lọc để chọn bản sắc riêng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, làng nghề độc đáo và nhiều di tích giá trị lịch sử, du lịch Hà Nội đang dần hồi phục sau khi thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, TP Hà Nội đề ra nhiều giải pháp tăng sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô.

Sau nhiều năm không ít lợi thế vẫn là tiềm năng

Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tour, tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng như làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động (Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)...

Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đánh giá tiềm năng du lịch Hà Nội, TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Hà Nội có 5.922 di tích danh thắng lịch sử, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể nên Thủ đô Hà Nội có thế mạnh lớn nhất là phát triển du lịch văn hóa. T

hời gian qua một số điểm đến du lịch văn hóa chính của Thủ đô như Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch di sản.

Mặc dù giàu tiềm năng, song nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL, TS Trương Quốc Bình chỉ ra một số bất cập trong thực trạng hoạt động tại các khu du lịch và điểm tham quan du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Điển hình như hạ tầng cơ sở vật chật kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ…) còn thiếu về số lượng và chất lượng; dịch vụ gia tăng phục vụ khách còn hạn chế; một số điểm đến còn tồn tại tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá trực tuyến, hỗ trợ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch chưa cao; thiếu các điểm đến du lịch chất lượng cao…

Nói về nguyên nhân những hạn chế trên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nêu rõ, hiện quy hoạch, đầu tư cho lĩnh vực du lịch chưa được triển khai đồng bộ; kết cấu hạ tầng chung của Thủ đô và vùng phụ cận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao. Ngoài ra ngành du lịch còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư lớn, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư dự án lớn phát triển du lịch trên địa bàn…

Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng

Nhằm thu hút DN đầu tư dự án du lịch, TP Hà Nội đang lấy ý kiến về quy định một số chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 – 2025.

Theo đó đối tượng áp dụng là các tổ chức, DN, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân cung cấp dịch vụ tham quan du lịch trên địa bàn TP Hà Nội. Những đối tượng này sẽ được TP Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí xây mới hoặc cải tạo khu mua sắm sản phẩm OCOP, quà tặng, quà lưu niệm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đã được công nhận khu, điểm du lịch cấp TP.

Hỗ trợ xây dựng hệ thống chỉ dẫn thông tin du lịch; cải tạo cảnh quan môi trường khu, điểm du lịch; xây dựng, nâng cấp cải tạo nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phát triển loại hình lưu trú du lịch: Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); phát triển các dịch vụ du lịch và hoạt động trải nghiệm; xây dựng hệ thống kiểm soát và đánh giá chất lượng tại các khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội…

Dự kiến, giai đoạn từ năm 2022 - 2025, ngân sách TP Hà Nội cân đối bố trí kinh phí khoảng 101,4 tỷ đồng để thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho 130 khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Theo dự kiến, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng khu mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (19,5 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng hệ thống chỉ dẫn thông tin du lịch (13 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo Trung tâm thông tin du lịch (6,5 tỷ đồng); hỗ trợ cải tạo cảnh quan môi trường khu, điểm du lịch (13 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng, nâng cấp cải tạo nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (13 tỷ đồng); hỗ trợ phát triển loại hình lưu trú du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê – homestay (10,4 tỷ đồng); hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch và hoạt động trải nghiệm (13 tỷ đồng); hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao (2,6 tỷ đồng)...

Thống nhất các hạng mục hỗ trợ mà dự thảo đã nêu, tuy nhiên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Văn Quân nêu rõ, cơ quan chủ quản cần rà soát các hạng mục hỗ trợ theo hướng khuyến khích DN phát triển sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp. Trong đó cần định hướng DN chú trọng cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, DN tập trung cải tiến sản phẩm du lịch mới, tăng cường dịch vụ tiện ích, cải thiện môi trường gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa mong mỏi sau khi dự thảo quy định được TP Hà Nội thông qua sẽ tạo cơ hội thu hút DN đầu tư phát triển điểm du lịch sinh thái, người dân phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo qua đó khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh. Từ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ du lịch với các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa có ứng dụng công nghệ số, thông minh.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo quy định một số chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhiều chuyên gia du lịch băn khoăn, trong số 130 khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn Hà Nội dự kiến được xem xét hỗ trợ, có một số cái tên từng vướng lùm xùm về sai phạm đất đai như Việt phủ Thành Chương (Sóc Sơn); Bãi đá Sông Hồng (Tây Hồ), Thung lũng hoa Hồ Tây (Tây Hồ)… cũng được đưa vào danh sách hỗ trợ.

Trả lời về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nêu rõ, việc xem xét ban hành và thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 sẽ được thực hiện theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính hợp pháp, phù hợp với thực tiễn, qua đó đạt chất lượng, hiệu quả cao.

 

"Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch 123/KH-SDL về việc triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao.

Theo đó, Bộ tiêu chí được xây dựng với 6 nhóm lớn để đánh giá, bao gồm Tài nguyên du lịch; Sản phẩm và dịch vụ; Quản lý điểm đến; Cơ sở hạ tầng; Sự tham gia của cộng đồng địa phương; Mức độ hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến.

Các tiêu chí này đều có các thang điểm rõ ràng để xác định khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Đây là căn cứ để TP Hà Nội đánh giá mức chất lượng của các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô, cơ sở để định hướng cho các cơ quan, tổ chức, DN quản lý các điểm đến du lịch trong việc nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, phấn đấu đạt được mức khu, điểm du lịch chất lượng cao của Hà Nội." - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang

"Một thời gian dài, Hà Nội chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng du lịch trung tâm đô thị, vì vậy phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Thời gian tới Hà Nội cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch trước tình hình mới, khi thói quen của du khách đã thay đổi. Trước mắt, ngành du lịch cần tập trung phục hồi du lịch nội thành và nội địa." - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO Trương Quốc Hùng