Du lịch Hà Nội thích ứng tình hình mới: Vượt khó sau "cánh cửa" hẹp

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Trong bối cảnh Hà Nội đang có những tín hiệu tốt trong khống chế dịch bệnh, việc đưa hoạt động du lịch tái khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn đang được doanh nghiệp rốt ráo thực hiện.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khó có thể thể đo đếm hết những hệ lụy gây ra cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, bởi tác động và hậu quả của nó là rất nghiêm trọng nhưng, ở một góc độ nào đó, người ta nhìn nhận, dịch bệnh cũng là phép thử cho ngành du lịch.
Trong thách thức vẫn mở ra những cơ hội để tái cơ cấu lại ngành, các doanh nghiệp đổi mới mình, thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, xây dựng lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách và điều kiện thực tế… Điều đó đòi hỏi bản lĩnh, sự sáng tạo của toàn ngành. Nhiều doanh nghiệp du lịch Thủ đô đã khẳng định được điều đó.
Trong bối cảnh hiện nay, cả nước cũng như Hà Nội đang có những tín hiệu bước đầu trong khống chế dịch bệnh, việc đưa hoạt động du lịch tái khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn đang được ngành Du lịch rốt ráo thực hiện, với những kỳ vọng không nhỏ của những người làm du lịch.
 Một số công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa một ngày khám phá Hà Nội và sản phẩm khám phá mùa Thu Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa đóng cửa, tạm dừng hoạt động; 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề; khoảng 11.600 lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động; 100% điểm đến du lịch tạm dừng hoạt động và công suất xe lưu hành vận chuyển chỉ dưới 10%. Đó là bức tranh của du lịch Hà Nội trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.
Vượt lên những khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình hướng đi riêng, lách qua “cánh cửa” hẹp để duy trì hoạt động, chờ thời cơ đón khách trở lại khi du lịch phục hồi.
Tour “đặc biệt” cho khách
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhất là đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, hoạt động du lịch Hà Nội cũng như cả nước bị “đóng băng.”
Các doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng đóng cửa khi nguồn lực đã cạn kiệt, không đủ sức chống chọi với những chi phí lớn, trong khi nguồn thu không có. Một số doanh nghiệp đã nhạy bén, năng động tìm cho mình hướng đi mới, nuôi dưỡng kỳ vọng khôi phục lại hoạt động đón khách khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong câu chuyện về duy trì hoạt động doanh nghiệp du lịch thời điểm dịch Covid-19, bà Dương Mai Lan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An-Ascend Travel and Media tự tin cho biết khi các đường bay trong nước và đường bay quốc tế hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động, dựa trên những kinh nghiệm trước đây đã từng tổ chức rất nhiều các chuyến chuyên cơ sử dụng máy bay riêng, Ascend Travel and Media đã triển khai loại hình dịch vụ này, đưa các chuyên gia nước ngoài và Việt kiều về Việt Nam.
Từ tháng 4/2020, công ty đã tổ chức thuê chuyến bay nguyên chuyến (charter) đầu tiên từ châu Âu về Việt Nam, kể từ đó đến nay, đưa khách nước ngoài về Việt Nam theo hình thức charter là mảng dịch vụ rất kịp thời, giúp đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ thuê máy bay nguyên chuyến, Ascend Travel and Media còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách hàng trong thời điểm này như tư vấn sắp xếp thủ tục hồ sơ, đặt vé máy bay, phòng khách sạn cách ly dành cho các chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt về nước.
Hình thức thuê máy bay nguyên chuyến đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam hoặc đưa người Việt về nước đã được một số doanh nghiệp lữ hành khác triển khai. Tuy nhiên, do thủ tục chặt chẽ, đòi hỏi các công ty lữ hành phải thật cẩn thận, nắm được các quy định, một cách chuẩn xác. Bởi trong thời điểm này, mỗi nước có những quy định khác nhau. Quy trình đưa đón phải thực hiện khép kín từ lúc lên máy bay, cho đến khi khách được đưa về các khu cách ly tại khách sạn.
Ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt-Vietfoot Travel, cho biết trong thời điểm hiện nay, công ty tập trung tổ chức đón khách chuyên gia, Việt kiều về nước từ châu Âu, Mỹ, Canada, Nga… Công ty hỗ trợ tư vấn, giúp khách chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp lệ cần thiết, tìm kiếm chuyến bay phù hợp, hỗ trợ vận chuyển, xét nghiệm Covid-19 trong thời gian cách ly theo quy định của Việt Nam.
Việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn. (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)
Đồng thời, đơn vị phải rà soát và có yêu cầu nghiêm ngặt với đối tác về danh sách khách về nước. Giám đốc Công ty Du lịch Bàn chân Việt-Vietfoot Travel chia sẻ, số lượng khách chuyên gia về Việt Nam không thường xuyên nhưng với khó khăn hiện nay, công việc này giúp cho công ty vẫn duy trì hoạt động.
Ngoài ra, nhiều công ty còn mở rộng lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ để duy trì hoạt động. Cụ thể, 6 công ty du lịch đang hoạt động tại Hà Nội là Ascend Travel and Media, VietSense Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asia Land Travel, MyTravel đã cùng nhau thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội-PRATO.
Trung tâm tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn với mục đích chia sẻ, đưa các kỹ năng thực tế của các công ty để đào tạo thêm cho học viên; trong đó có những khóa đào tạo miễn phí. PRATO kỳ vọng sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc duy trì được đội ngũ nhân sự cho ngành khi mà dịch bệnh được kiểm soát và du lịch khởi động trở lại.
Ứng dụng công nghệ, thu hút khách khi tạm dừng đóng cửa
Trong bối cảnh các di tích, danh thắng, bảo tàng và những điểm đến khác tại Hà Nội tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch Covid-19, thay vì “cửa đóng, then cài,” nhiều bảo tàng, di tích đã ứng dụng công nghệ mới, thu hút khách tham quan. Đó là một cách làm sáng tạo để các điểm đến không “ngủ quên,” đồng thời góp phần phát huy giá trị di tích, phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được biết đến là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D phục vụ hoạt động trưng bày. Nhất là trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát huy tốt việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D, thu hút lượng lớn du khách tìm hiểu, tham quan qua công nghệ số.
Du khách có thể tham quan, tìm hiểu Việt Nam thời kỳ Tiền Sử, văn hóa Đông Sơn, triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê-Lý, Trần, Óc Eo-Phù Nam ở phần trưng bày thường xuyên; hay Linh vật Việt Nam, di sản văn hóa Phật giáo, đèn cổ Việt Nam phần trưng bày chuyên đề.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đang thực hiện trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia. Du khách vừa ngắm các hiện vật trưng bày, vừa nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên ảo, hoặc có thể tương tác với nhà sử học thông qua công nghệ thực tế ảo 3D.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã chuyển sang tổ chức theo hình thức online với các triển lãm, trưng bày khi mà hiện nay không thể thực hiện theo cách trưng bày thực tế. Từ khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát đến nay, Trung tâm tổ chức ba triển lãm trực tuyến mang tên: “Tết Đoan Ngọ xưa và nay-Gió lành Đoan Môn,” “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Vị tướng huyền thoại,” "Trung thu sum vầy.”
Cách thức trưng bày triển lãm tạo được dấu ấn nhất định nhờ sự sáng tạo trong thiết kế, giới thiệu, hài hòa giữa hình ảnh và thông tin, lớp lang theo dòng lịch sử, đa dạng về tư liệu. Ngoài giới thiệu các triển lãm, Trung tâm còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Phòng Hướng dẫn-thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm đã đóng cửa, tạm dừng đón khách tham quan di sản Hoàng thành Thăng Long theo tinh thần chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên của Trung tâm vẫn tích cực trong công tác quảng bá giá trị di sản, thu hút khách du lịch bằng phương thức giới thiệu qua hình thức trực tuyến. Hình thức này nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách khi họ không có điều kiện tham quan thực tế.
Tương tự như vậy, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu lịch sử. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sản xuất các clip kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám xưa và các bài giới thiệu về Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám để đưa lên fanpage lan tỏa rộng rãi tới công chúng, tạo điểm nhấn thú vị trong việc phát huy giá trị di tích.
Nhờ sự năng động, sáng tạo, các công ty lữ hành, các điểm đến tại Hà Nội vẫn duy trì được nguồn năng lượng tích cực cho hoạt động du lịch. Hơn nữa, bản thân các đơn vị cũng đổi mới hình ảnh bản thân bằng chính những sản phẩm sáng tạo, góp phần hình thành nên sản phẩm đặc trưng mang bản sắc Hà Nội. Điều mà từ nhiều năm nay, ngành Du lịch luôn rất trăn trở trong quá trình xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần