Du lịch Hà Nội ưu tiên khai thác thế mạnh di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thế mạnh về di tích và di sản, ngành du lịch Hà Nội xác định, năm 2014 sẽ phát huy sâu hơn tiềm năng của các di tích lịch sử văn hóa đã được UNESCO công nhận và được xếp hạng cấp quốc gia. Việc khai thác du lịch di sản cũng sẽ chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến.

Tiềm năng di sản          

Hà Nội có hơn 800 di tích trong tổng số 5.000 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia. Với mục tiêu năm 2014 đón được 17,8 triệu lượt khách, trong đó 2,8 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch Thủ đô đề ra lộ trình khai thác tiềm năng các di tích nổi tiếng.
Khách du lịch tham quan Hoàng thành Thăng Long.        Ảnh:  Thanh Thảo
Khách du lịch tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo
Ông Nguyễn Hữu Việt - Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ là điểm nhấn của du lịch Thủ đô. Sở VHTT&DL có hướng phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long phát huy di tích ấy để phát triển du lịch. Cùng với nâng cấp và dịch vụ điểm đến, Sở sẽ tuyên truyền rộng rãi để các doanh nghiệp lữ hành đưa Hoàng thành Thăng Long vào chương trình City tour với các sản phẩm từ Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội), đến Đoan Môn, điện Kính Thiên, khu khảo cổ". Hệ thống 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là điểm nhấn và là sản phẩm du lịch tiềm năng hấp dẫn. Hiện, Sở VHTT&DL đã xây dựng Đề án nâng cấp khu này với việc tuyên truyền giá trị của 82 bia tiến sĩ cùng phương án bảo vệ an toàn hòa nhập với không gian cổ kính; khai thác sâu những câu chuyện liên quan đến tên người được khắc trên bia để làm phong phú hơn nội dung thuyết minh. Du khách sẽ thấy thú vị sau khi tìm hiểu hàng bia ở Văn Miếu, lại được thăm làng cổ Đông Ngạc - nơi sinh thành của 24 vị tiến sĩ; nghe kể những câu chuyện học hành đỗ đạt…  

Nâng chất lượng dịch vụ

Thực tế, những điểm di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn… đang thu hút lượng khách đông hơn so với sức chứa, song việc khai thác du lịch cần chuyên nghiệp hơn. Ví như khu vực bán đồ lưu niệm cần được sắp xếp hợp lý; sản phẩm mang đặc trưng hình ảnh điểm đến, độc đáo, hấp dẫn và tiện dụng khi làm quà tặng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng phục vụ, từ thái độ của người bán vé  cho đến nhân viên bảo vệ, người quản lý. Nội dung thuyết minh cần mang phong cách du lịch nhiều hơn là đơn thuần nói về di tích.

Để đảm bảo an toàn cho du khách được duy trì thường xuyên và triển khai sâu rộng đến từng địa bàn xã, phường, Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ công bố rộng rãi hơn số máy đường dây nóng của Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch; đồng thời kết nối với các quận, huyện và công an sở tại để giải quyết sự việc xảy ra. Năm 2014 này, Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch sẽ phát huy tích cực vai trò của mình, hoạt động chuyên sâu hơn, đảm bảo các phản ánh của khách được giải quyết kịp thời.   

Không phủ nhận Hà Nội có nhiều tiềm năng du lịch di sản, nhưng để khai thác hiệu quả là cả vấn đề lớn, bởi cần có các dịch vụ kèm theo đạt chuẩn. Đó là hạ tầng kết nối với bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi khách dừng chân nghỉ ngơi… Các chuyên gia khẳng định, nếu nóng vội khai thác ngay các điểm di tích thành tuyến điểm du lịch sẽ thất bại. Đấy là chưa kể, khi khai thác cần có sự kết hợp với du lịch tâm linh - phố cổ, phố nghề - làng nghề - làng cổ. Bởi không chỉ xem ngắm, du khách cần được trải nghiệm, nên việc kết hợp giữa du lịch tìm hiểu lịch sử - văn hóa với đời sống của người dân vô cùng cần thiết để tạo giá trị đặc sắc cho các tour.