Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch sau đại dịch lần thứ 4 vẫn có cơ hội hồi phục

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch vẫn còn cơ hội hồi phục trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 phần nào được khống chế.

 Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về triển vọng của ngành du lịch trong thời gian tới.

Đã có dấu hiệu hồi phục

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội trong đó có ngành du lịch. Ông có thể đánh giá những thiệt hại mà ngành du lịch đang phải gánh chịu?

- Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến đúng dịp cao điểm du lịch hè 2021 với mức độ nguy hiểm và trên diện rộng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã khiến các DN du lịch chịu tổn thất nặng nề về kinh tế và tinh thần, mặc dù đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 không tác động đến nhiều DN du lịch như những lần trước. Bởi, hầu hết DN đã dùng tất cả nguồn lực cuối cùng nhưng Covid-19 đã khiến DN không thể triển khai, dẫn đến thua lỗ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 105.000 lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa chỉ đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép từ tháng 10/2021 đảo Phú Quốc thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại, đây có được xem là sự khởi đầu để vực dậy ngành du lịch không thưa ông?

- Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho toàn dân nên đã phần nào khống chế được dịch Covid-19 qua đó tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi. Bên cạnh đó ngành du lịch thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng cũng đã có dấu hiệu hồi phục sau khi mở rộng tiêm chủng vaccine. Chẳng hạn, đầu tháng 8/2021, Thái Lan đã cho phép khách quốc tế đến Phuket nghỉ dưỡng và sẽ tiếp tục “mở cửa” các điểm du lịch Krabi và Phang Nga với điều kiện khách đã tiêm vaccine Covid-19. Đây là mô hình Việt Nam nên học hỏi cách làm, rút kinh nghiệm và hoàn thiện khi khôi phục du lịch hậu Covid-19.

Tuy nhiên, việc hồi phục ngành du lịch còn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tới, cũng như ngành du lịch khôi phục nguồn nhân lực. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm khiến một lực lượng không nhỏ lao động du lịch chất lượng cao buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác mưu sinh; tài chính của DN lữ hành giảm sút. Để ngành du lịch phục hồi còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN du lịch lữ hành với hệ thống khách sạn, vận chuyển và chính quyền địa phương trong việc tổ chức tour, tuyến phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo tour du lịch an toàn trước dịch Covid-19.

Với tư cách là một chuyên gia và cũng là giám đốc DN du lịch, theo ông trong thời gian tới ngành du lịch nên xây dựng kịch bản nào để du lịch “cất cánh” hậu Covid-19?

- Để xây dựng kịch bản hồi phục du lịch hậu Covid-19, trước mắt chúng ta phải xây dựng kịch bản sống chung với Covid-19 và kịch bản này phải phù hợp thực tiễn, từ đó đề ra các kế hoạch thực sự hiệu quả để phục hồi nền công nghiệp không khói.

Trước những khó khăn sau đại dịch, nếu các công ty lữ hành thực sự muốn hút khách sẽ phải đi những bước đi thận trọng, thậm chí tổ chức tour không lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để hút khách.
Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi đòi hỏi các công ty du lịch phải tính toán đến các chiến lược dài hơi theo hướng giữ chất lượng dịch vụ và sử dụng mức giá linh hoạt cho từng thời điểm. DN cần một hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, sáng tạo để kích thích nhu cầu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ.
Riêng với thị trường khách đến, có thể tập trung vào những thị trường khách như Nga, Bắc Âu, Tây Âu… vốn có nhu cầu nghỉ dưỡng cao, khách có thời gian ở dài, chi tiêu cao và thời điểm cuối năm cũng là mùa du khách đi du lịch tránh mùa Đông. Quan trọng hơn, cần có chiến lược dài hơi cho ngành du lịch về phục hồi thị trường khách nội địa và quốc tế, để cả DN và ngành cùng chuẩn bị cho lộ trình khôi phục.

Hà Nội cần chú ý thế mạnh văn hóa

Chuyên trang du lịch TripAdvisor vừa công bố TP Hà Nội là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Vậy theo ông, để thu hút du khách cho Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội nên khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch nào?

- Khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng được số đông khách nước ngoài lựa chọn, trong khi đây là thế mạnh của văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. TP Hà Nội với lợi thế văn hóa dân gian, ẩm thực phong phú, hấp dẫn với những món ăn nổi tiếng thế giới như phở, nem, bánh mỳ… hoàn toàn có thể chinh phục những du khách khó tính. Đặc biệt, Hà Nội được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, với số lượng các làng nghề truyền thống chiếm 1/3 số lượng làng nghề Việt Nam, giúp DN lữ hành xây dựng hệ thống sản phẩm của du lịch đặc trưng Thủ đô.

Để có thể khai thác tiềm năng văn hóa, làng nghề, ẩm thực qua đó thu hút du khách thời kỳ hậu Covid-19 đòi hỏi ngành du lịch Thủ đô cần xây dựng những sản phẩm mang giá trị cốt lõi bản sắc độc đáo của địa phương, đặc biệt phải có tính sáng tạo cao dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Chẳng hạn để cho khách thưởng thức một món ăn, ngoài việc chế biến công phu cần phải có không gian ẩm thực thoải mái, đặc biệt cần câu chuyện, nguồn gốc của món ăn. Bên cạnh đó là những dịch vụ đi kèm như du khách được trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra món ăn đó. Điều này sẽ mang lại cho du khách giá trị gia tăng văn hóa, đặc biệt là du lịch sẽ có thêm cơ hội mời gọi khách du lịch “mở hầu bao”.
Thực tế cho thấy, nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đã triệt để khai thác văn hóa trong việc tổ chức tour du lịch, đây là những mô hình mà Hà Nội nên học tập trong việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch hậu Covid-19. Nhưng để làm được điều này đỏi hỏi cần có một “nhạc trưởng” kết nối chặt chẽ, hài hòa giữa các đơn vị văn hóa nghệ thuật, làng nghề với DN du lịch.

DN và ngành du lịch cần sự hỗ trợ gì về cơ chế, chính sách của Nhà nước?

Thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ DN du lịch như giảm thuế, giảm tiền ký quỹ, trợ cấp cho hướng dẫn viên du lịch nhưng thời điểm này điều DN lữ hành cần nhất là Nhà nước tạo điều kiện cho họ hồi phục. Cụ thể, nên ưu tiên công tác phòng chống dịch, trong đó chú trọng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, từ đó Việt Nam là điểm đến an toàn cho du khách quốc tế.
Ngoài ra, Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ, chương trình ưu đãi lãi suất cho các DN du lịch với những khoản vay đầu tư lĩnh vực mới tiềm năng trên cơ sở đánh giá, thẩm định tính khả thi hiệu quả của dự án. Đặc biệt, cần thành lập, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch; thị trường nào phục hồi trước, phục hồi sau, những dòng sản phẩm nào sẽ tương ứng với mỗi thị trường trong thời gian tới, đưa ra những dự báo phục hồi cũng như cảnh báo nguy cơ dịch bệnh.
Cụ thể ngành y tế phải đánh giá tình hình dịch của Việt Nam và thế giới, qua đó DN du lịch sẽ lấy đó làm căn cứ xây dựng kịch bản hồi phục nhanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Đây là cách hỗ trợ DN hiệu quả, công bằng cho tất cả DN du lịch khi thị trường phục hồi.

Xin cảm ơn ông!

"Việc Thủ tướng cho phép ngành du lịch thí điểm “mở cửa” đón khách quốc tế đến đảo Phù Quốc là tín hiệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam đã có cơ hội hồi phục hậu Covid-19. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát do số lượng người tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có miễn dịch sau khi mắc Covid-19 ngày càng nhiều, Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa trên cơ sở phòng dịch." - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng