Du lịch TP Hồ Chí Minh vượt sóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2016 là thu hút 5,1 triệu khách quốc tế, 21,8 triệu khách nội địa và doanh thu 103.600 tỷ đồng...

Năng động vượt khó

Năm 2015, thị trường du lịch thế giới đầy biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về lượng du khách và doanh thu, tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao. Càng trải qua khó khăn càng thấy sự năng động, vươn lên vượt khó của các DN du lịch TP Hồ Chí Minh”.
Khu du lịch Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh.
Khu du lịch Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh.
Ngành du lịch đã tích cực tham gia các chương trình kích cầu nội địa với các chủ đề như: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Sở Du lịch TP đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các hãng hàng không, các khách sạn trên cả nước đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, ngành đã phát triển các sản phẩm mới như tour đường thủy, khai thác lợi thế hệ thống kênh rạch tự nhiên (như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè); Chương trình “TP Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”… Ngoài ra, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến như lễ đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến TP, Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, lễ hội Trái cây Nam Bộ… đã trở thành thương hiệu của du lịch TP Hồ Chí Minh.

Khẳng định vị trí số 1

Mục tiêu trong năm 2016, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao hình ảnh “Điểm đến thân thiện, hấp dẫn”, thu hút được 5,1 triệu du khách quốc tế và 21,8 triệu du khách trong nước, đạt doanh thu 103.600 tỷ đồng, khẳng định vị trí số 1 cả nước.

Để đạt được mục tiêu này, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một loạt giải pháp như tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng phối hợp liên ngành giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, đeo bám và hạn chế thấp nhất tình trạng cướp giật, đảm bảo môi trường an toàn cho du khách khi đến TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy nội đô tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tẻ…; phát triển hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch TP trên các phương tiện truyền thông, tích hợp đồng bộ thông tin du lịch vào Tổng đài thông tin du lịch 1087 và cổng thông tin điện tử du lịch.

Đặc biệt, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó chú trọng xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường. Tiếp tục quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường truyền thống như ASEAN, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ…, nghiên cứu và mở rộng quảng bá xúc tiến tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Âu…

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để thu hút khách du lịch ngoài cơ sở hạ tầng du lịch, vấn đề cốt yếu nhất vẫn là nguồn nhân lực. Do đó, ngành du lịch TP đã xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch đạt chuẩn với trình độ nhân lực du lịch trong khu vực”.