Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Việt "bừng sáng" sau mở cửa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi mở cửa hoạt động trở lại, du lịch Việt Nam “bừng sáng” với lượng khách tăng trưởng đáng mừng. Tuy nhiên, để duy trì "phong độ" đỉnh cao, ngành du lịch vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Khách nội địa tăng mạnh

Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, qua 6 tháng hoạt động, ngành du lịch đã vượt kế hoạch cả năm về đón khách nội địa, đạt con số 60,8 triệu lượt khách.

Nhiều địa phương đã đón lượng du khách cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Cụ thể Hà Nội đón 8,6 triệu lượt du khách, TP Hồ Chí Minh đón gần 11,5 triệu lượt khách (tăng 43,1%), Thanh Hóa đón trên 6,3 triệu lượt khách, hoàn thành mục tiêu đặt ra cho cả năm 2022. Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang phục hồi rõ rệt, 6 tháng đầu năm Quảng Ninh đón được 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

Khách du lịch tham quan Bản Đôn (tỉnh Đắk Lắk)
Khách du lịch tham quan Bản Đôn (tỉnh Đắk Lắk)

Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, với việc kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động du lịch nội địa đã tăng trưởng mạnh mẽ nhất là vào mùa cao điểm hè. Trong đó, hình thức du lịch biển, du lịch gia đình, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) nở rộ, phát triển mạnh.

 

Thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam rơi vào giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi. Dịp cuối năm thường có một số hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Pháp, Anh, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến. Có thể năm nay khách chưa tới nhiều nhưng chúng ta thay đổi cách làm, đầu tư vào quảng bá, tiếp thị điểm đến… là cơ hội để khách quốc tế trở lại nhiều hơn trong tương lai

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn, là cơ sở để toàn ngành nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín, có vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

"Trang thông tin Google Destination Insights hiển thị lượng tìm kiếm trong nước về du lịch nội địa trong tháng 5/2022 tăng 487% so với cùng kỳ, và tiếp tục tăng lên 669% trong tháng 6/2022, kết quả này cho thấy Việt Nam đã phục hồi trở thành điểm đến của khách du lịch” - ông Đoàn Văn Việt nêu ví dụ.

Thêm nhiều kế hoạch "trải thảm đỏ" đón khách quốc tế

Trong khi lượng khách du lịch nội địa tăng cao nhưng trong nửa đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người. Con số này còn quá "khiêm tốn" so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2022.

Nguyên nhân của thực tế này theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, hiện nhiều quốc gia vẫn thực hiện biện pháp hạn chế đi lại, nên việc đón khách ở một số thị trường trọng điểm Âu, Mỹ, Đông Bắc Á còn khó khăn.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh cho hay, chính sách thị thực nhập cảnh chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày rất khó để khách có thể nhập cảnh lưu trú dài hạn, chi tiêu nhiều. “Do đó cần tiếp tục cải thiện chính sách visa” - bà Nguyễn Xuân Quỳnh kiến nghị.

Ngoài ra, tác động từ giá xăng dầu và lạm phát tăng cao ở thị trường châu Âu cũng ảnh hưởng tới chi phí đi du lịch của du khách. Covid-19 cũng là trở ngại khiến du khách châu Âu ngại đi tới các thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam mà chuyển sang chọn điểm đến ngay tại các nước châu Âu.

"Hiện các hãng hàng không đã mở lại đường bay quốc tế tới châu Âu, nhưng tần suất chuyến bay vẫn khá ít nên rất khó đặt vé máy bay và giá cao, ảnh hưởng tới giá thành tour chào cho khách quốc tế. Do đó, các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay quốc tế, tăng tần suất chuyến bay để kích thích nhu cầu du lịch của khách quốc tế" - Giám đốc Công ty Images Travel Nguyễn Ngọc Toản kiến nghị.

Du khách quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022
Du khách quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022

Dưới góc độ chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, con số khách quốc tế đến chưa nhiều nhưng quan trọng là ngành du lịch vẫn còn giai đoạn cuối năm. Nếu làm tốt các biện pháp thu hút thì chỉ cần trong 1 tháng có thể đạt 5 triệu lượt khách.

"Quan trọng nhất không phải số lượng mà khách chi tiêu bao nhiêu khi tới Việt Nam, và doanh thu của ngành du lịch đạt bao nhiêu? Thống kê cho thấy trung bình khoảng 70% khách quốc tế sẽ quay lại Thái Lan nhờ công tác tiếp thị tốt, hiệu quả. Tại Việt Nam, tỷ lệ này mới là 25 - 30%. Chưa kể, cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng trung bình một khách đến Thái Lan chi tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD. Điều đó cho thấy điều quan trọng nhất là số tiền thu được từ khách. Bởi nếu khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều vẫn là kết quả tích cực” - ông Vũ Thế Bình phân tích.

Việc đón 5 triệu khách quốc tế là thách thức lớn, song Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, ngành du lịch không điều chỉnh mục tiêu do kỳ vọng vào mùa du lịch đón khách quốc tế tháng 9 tới. Để tạo đột phá thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá tới các thị trường chi tiêu cao như Mỹ, Ấn Độ…

Tuy nhiên, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh sự hỗ trợ của từ Nhà nước, còn đòi hỏi doanh nghiệp du lịch cần bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách.

“Doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nêu rõ.