Còn nhiều chữ "chưa"
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, khách du lịch vào nội địa tăng trên 10%/năm, đóng góp trên 6,8% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao.
|
Khách hàng tìm hiểu thông tin các tour du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Lực lượng DN du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm. Ngành du lịch được kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, chỉ tiêu tổng thu du lịch là 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động và cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực…
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của rất nhiều ngành như: Văn hóa, Thể thao, Giao thông, Công Thương, Nông nghiệp; Tài chính; Ngân hàng; Ngoại giao; Công an; TTTT… Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Để có được kết quả đó, DN tư nhân đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển đó. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Tuấn thẳng thắn, ngành du lịch còn một số tồn tại, hạn chế, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. DN du lịch chủ yếu là các DN nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…
Xác định các trọng điểm để phát triển
Cũng theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực. Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến năm 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước thì cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Hà Văn Siêu, Việt Nam cần sớm hình thành các địa bàn du lịch trọng điểm. Ngành du lịch cần xác định những địa bàn trọng điểm, các khu du lịch phức hợp, có thương hiệu, có tầm nhìn và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như Sun World, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
“Muốn du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, thời gian tới cần tiếp tục có sự đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, DN và toàn xã hội để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài” – vị này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; kiểm soát, tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí và du lịch công tác kết hợp du lịch cao cấp, các chương trình, dịch vụ được thiết kế riêng và có tính cá nhân hóa cao…; đa dạng hóa thị trường nguồn, tiếp thị và xúc tiến du lịch tập trung nhiều hơn vào các thị trường nguồn khách chi tiêu cao như: Nhật Bản, Úc, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…; Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động marketing kỹ thuật số hướng tới các phân khúc thị trường cao cấp...
Theo Chỉ số Cạnh tranh Du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 32 trên toàn cầu (trong 120 quốc gia) về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên và văn hóa (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan), có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận (bằng với Indonesia, nhiều hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á).
"Hiện du lịch di sản văn hóa làng nghề nhằm phát huy, quảng bá tinh hoa văn hóa làng nghề chưa được đầu tư thỏa đáng. Nếu làm tốt quảng bá loại hình du lịch này sẽ tạo điều kiện tăng nguồn thu cho du lịch và cư dân làng nghề, từ đó đóng góp trở lại vào việc tu tạo, bảo vệ di sản. Tuy nhiên, để du lịch di sản văn hóa làng nghề trở thành mũi nhọn cần phải nâng cấp loại hình sản phẩm du lịch này." - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn |