Du khách cần nhiều giá trị hơn cho mỗi chuyến đi
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu của khách du lịch. Sau hơn 2 năm không thể xê dịch, du khách cần nhiều giá trị hơn cho mỗi chuyến đi. Đây cũng là lý do ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch cao cấp với mong muốn được hưởng thụ những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo và đẳng cấp.
Báo cáo do Công ty Oxford Economics, cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế toàn cầu có trụ sở tại London công bố mới đây cho thấy, ngành du lịch và sự phục hồi của ngành này sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Đặc biệt, chi tiêu cho du lịch và lữ hành tại Việt Nam vào năm 2025 sẽ tăng 36% so với năm 2019.
Theo ông Liam Cordingley, tác giả của báo cáo, rượu vang và rượu mạnh là một thành phần quan trọng của dịch vụ du lịch và nhà hàng, khách sạn. “Trong đại dịch Covid – 19, doanh số bán rượu vang và rượu mạnh cao cấp tại Việt Nam khá ổn định trong khi doanh số bán hàng của các thương hiệu tiêu chuẩn trở xuống lại sụt giảm. Điều này gián tiếp cho thấy du khách ngày càng quan tâm đến những sản phẩm cao cấp và mong muốn có được trải nghiệm sang trọng, đẳng cấp trong hành trình của mình” - ông Liam nói.
Thực tế, sau đại dịch, du khách nội địa cũng có xu hướng gia tăng mức chi tiêu dành cho du lịch. Khảo sát hành vi của du khách Việt Nam dịp Tết Nguyên đán 2022 do Công ty nghiên cứu thị trường Outbox thực hiện cho thấy, gần 55% người được hỏi cho biết sẽ dành ngân sách nhiều hơn cho chuyến du lịch của mình so với năm 2019. Khách ưu tiên lựa chọn phân khúc lưu trú cao cấp hơn, từ 3 - 5 sao cho kỳ nghỉ sẵn sàng chi tiêu để gia tăng các trải nghiệm tại điểm đến.
Với thâm niên hơn 10 năm làm bartender (người pha chế rượu) và đang sở hữu một quán bar có tiếng ở TP Hồ Chí Minh, anh Đạt Nguyễn cũng cảm nhận rõ xu hướng của du lịch cao cấp. Anh cho biết, từ sau đại dịch, khách quen người Việt đến quán của anh tập trung hơn vào việc trải nghiệm và các cơ hội để phát triển vị giác. Họ sẵn sàng thử nghiệm các loại sản phẩm mới và có nhu cầu về hương vị mạnh mẽ hơn.
“Du lịch cao cấp đã đến Việt Nam và còn ở lại lâu dài” - ông Mark Kent, Giám đốc điều hành Hiệp hội rượu whisky Scotland (SWA), cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2007 - 2010), Chủ tịch Mạng lưới Hữu nghị Việt Nam - Anh Quốc nói như vậy sau khi chuyến trở lại Việt Nam trong một chuyến công tác vào đầu tháng 8 vừa qua.
Hiểu xu hướng của khách du lịch cao cấp
Theo ông Mark Kent, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, như truyền thống văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng. Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, Vịnh Hạ Long và các bãi biển đẹp hàng đầu thế giới. Điều quan trọng bây giờ là Việt Nam cần hướng đến phân khúc khách du lịch có thu nhập cao, những người sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm các dịch vụ cao cấp để gia tăng giá trị của ngành này và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Trong xu hướng hiện nay, để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Mark Kent cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần phải hiểu xu hướng tiêu dùng của những du khách cao cấp, từ đó tạo ra những tạo ra những điểm nhấn, những trải nghiệm độc đáo thu hút nhóm khách này. Thứ họ cần là chất lượng dịch vụ phải tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Khách sạn lưu trú, ẩm thực, đồ uống họ sử dụng cũng phải được nâng cấp xứng đáng.
Ông Mark Kent lấy ví dụ về Scotland, du khách tới đây không chỉ khám phá các tòa lâu đài cổ kính, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn có những trải nghiệm độc đáo ở các lò sản xuất rượu wishky nổi tiếng của quốc gia này dù giá cả không hề “dễ chịu”. “Tương tự, Việt Nam cũng có các sản phẩm nổi tiếng để tạo ra các dịch vụ cao cấp, những điều này đều tạo ra sự trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch”- ông Mark Kent nói.
Một cuộc khảo sát về khách du lịch giàu có tại Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2022 cho thấy yếu tố “bán lẻ, đồ ăn và đồ uống” là yếu tố quan trọng thứ hai khi khách cân nhắc về địa điểm du lịch, sau tiêu chí “sức khỏe và sự an toàn”, vốn vẫn là một vấn đề phổ biến do đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu khác do Barton thực hiện vào năm 2019 cho thấy, 3/4 trong số 347 tỷ USD chi cho du lịch xa xỉ trên toàn cầu trước Covid - 19 là dành cho đồ ăn và đồ uống. Trong tổng số đó, khoảng 70% được chi cho các quán bar hoặc cơ sở ăn uống sang trọng (nhà hàng), so với chỉ 6% tại các cơ sở ăn uống bình dân rẻ hơn (quán cà phê, thức ăn nhanh).
Đặc biệt, theo ông Liam Cordingley, các đồ uống cao cấp này không chỉ hỗ trợ ngành du lịch thu hút khách hạng sang mà còn đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và tạo ra công ăn việc làm. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, năm 2022, ngành rượu vang và rượu mạnh tại Việt Nam đóng góp 282 triệu USD tiền thuế, tạo ra 65,6 nghìn việc làm và đóng góp 282 triệu USD vào GDP quốc gia” - ông Liam cho biết.