Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 (VDF-2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững” do Cục Tin học và Thống kê Tài chính và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đồng tổ chức, ngày 21/9/2023.
Chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp
Trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính số cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính, mang lại lợi ích cho người sử dụng các dịch vụ tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, chính phủ và nền kinh tế nói chung. Tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt đối với các đối tượng có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện tài chính toàn diện.
Cụ thể, cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số được thực hiện dựa trên dữ liệu. Vì vậy, vai trò của dữ liệu ngày càng được khẳng định và chính sách về dữ liệu có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay; dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 đã xác định các chủ trương, định hướng lớn về dữ liệu. Trên cơ sở đó, hoạt động chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu.
Là một trong số những doanh nghiệp công nghệ phục vụ trong ngành Tài chính, ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Nền tảng định danh và xác thực điện tử VNPT cho biết, xu hướng ứng dụng eKYC trong ngành Tài chính phát triển mạnh nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cùng với làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng, tổ chức tài chính, eKYC được áp dụng ngày càng phổ biến giúp thúc đẩy mạnh mẽ tài chính số. eKYC giúp xử lý và tiếp nhận khách hàng nhanh hơn; trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động và độ chính xác; tiết kiệm chi phí vận hành; giảm thiểu tội phạm tài chính; ngăn chặn hành vi trộm cắp danh tính như công nghệ deepfake và spoofing.
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hà cho biết, xác định năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia với 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Với vai trò của mình, ngày 12/4/2023, Bộ Tài chính đã có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2023. Trong đó, xác định thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng thuế điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan; 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia...
Thúc đẩy thị trường dữ liệu số
Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, Phó Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Bộ Tài chính cần tập trung chỉ đạo, điều phối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số.
Trước hết, cần tập trung đề xuất triển khai các giải pháp nhằm từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu để thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá cho phát triển kinh tế số và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Đề xuất các quy định, cơ chế trao đổi, liên thông chia sẻ dữ liệu… tạo không gian để khai thác các giá trị kinh tế của dữ liệu. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu tiến tới chuẩn hóa, thống nhất dữ liệu liên ngành, liên lĩnh vực. Việc triển khai giải pháp phát triển dữ liệu đi đôi với đảm bảo an toàn dữ liệu, đồng bộ với việc nâng cao nhận thức, năng lực khai thác, sử dụng dữ liệu an toàn.
“Việc khai thác các tiềm năng của dữ liệu sẽ là sự cộng hưởng lớn đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam để hướng tới sự chuyển đổi theo mục tiêu bền vững và kiến tạo tài nguyên số cho tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm ra không gian phát triển mới để tiếp cận nhanh, đón đầu xu hướng, khai thác và sử dụng dữ liệu số làm động lực mới, cơ hội mới, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển” - Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển .
Bộ cũng cần ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng. Đồng thời, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân; tạo điều kiện môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính và qua đó cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Nguyễn Minh Ngọc cho biết, ngành Tài chính đã đặt ra mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển dữ liệu trong thời gian tới.
Theo đó, quy hoạch, xây dựng, phát triển các thành phần thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính trong một chỉnh thể thống nhất; xây dựng các nguyên tắc chủ đạo đảm bảo tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành tài chính.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử (E-Government) ngành Tài chính, hướng tới xây dựng Tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở; tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam.