“Xôn xao” cách giáo dục ý thức cho học sinh về an toàn giao thông
Kế hoạch số 925/KH-SGD&ĐT về việc Tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội được công bố vào đầu tuần này tưởng chừng như dễ bị bỏ qua nhưng lại thành câu chuyện “xôn xao” thông tin đại chúng.
Kế hoạch này sẽ chẳng có gì để người ngoài ngành chú tâm nếu như Sở nêu chung chung hình thức kỷ luật. Thế nhưng, trong kế hoạchsố 925/KH-SGD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội lại nêu rõ hình thức kỷ luật đối với học sinh khi vi phạm luật giao thông, trong đó hình thức kỷ luật cao nhất là “Trường hợp HSSV đã được giáo dục nhưng vẫn vi phạm luật giao thông nhiều lần thì sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.”
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Lập tức, những ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, hiệu trưởng, phụ huynh học sinh và của lãnh đạo Sở GD&ĐT được nhiều báo khai thác. Thông qua đó, các báo đều có chung một quan điểm là liệu hình thức kỷ luật mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra có thật sự hiệu quả trong thực tế, liệu có thúc đẩy cho học sinh nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm dần tai nạn giao thông tại Hà Nội hay chỉ là để “thăm dò” sự hưởng ứng của xã hội. Việc đình chỉ học tập các em trong vài ngày tới 1 tuần chẳng khác gì giúp “chim sổ lồng” và khiến gia đình thêm “gánh nặng” thay vì tin tưởng vào sự quản lý, giáo dục hàng ngày từ phía thầy cô và nhà trường.
Thậm chí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định rằng “Chúng ta nghiêm khắc để bảo vệ các em được an toàn tính mạng. Mặt khác chúng ta nghiêm khắc với các em hôm nay để mươi năm nữa, khi học tập, làm việc ở nước ngoài trong xu thế hội nhập toàn cầu, các em sẽ là những công dân Việt Nam văn minh, ứng xử có văn hóa, có kỹ năng tham gia giao thông, có ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng nơi mình sống, làm việc. Đó chính là những hành trang cần thiết trong cuộc sống sau này cho các em”. Chủ trương có ý tốt này, dù mới chỉ là kế hoạch nhưng vấp phải việc “xa rời thực tiễn” khi ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của nhiều người trong xã hội hiện nay vẫn chưa có.
Hơn thế nữa, tâm lý của lứa tuổi HSSV đang ở giai đoạn dễ bị kích động nên nếu nhắc nhở không khéo, hình thức phạt không tinh tế sẽ có thể gây tổn thương tâm lý các em, thay vì các em chấp hành tốt kỷ luật thì có thể có em sẽ phản kháng, “bạt mạng”, “tổ lái” hơn và gánh nặng tai nạn giao thông lại càng gia tăng.
Những sự việc hy hữu trong nhà hộ sinh
Câu chuyện về người phụ nữ bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cô con gái mà bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, 64 tuổi, trú ở số 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội được nữ y tá trao nhầm 42 năm trước là Tạ Thị Thu Trang, trú ở khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. Câu chuyện có lẽ sẽ mãi mãi bị rơi vào dĩ vãng, cho đến khi cách đây ít hôm, bà Hạnh quyết định nhờ cháu ngoại đưa lên mạng xã hội với hi vọng tìm được người con đẻ bao năm thất lạc. Và chị Thu Trang, cô bé mang số 32 của nhà hộ sinh quận Ba Đình ngày nào vẫn đang đau đáu một nỗi niềm: "bố mẹ đẻ của tôi đang nơi đâu?".
Bà Hoa và chị Hiền
|
Thế nhưng đây không phải là câu chuyện duy nhất tại Hà Nội mà sự sắp đặt của định mệnh ấy còn xảy đến với gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo lời kể của bà Hoa thì bà sinh cô con gái tên Hiền vào ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên.
Chị Lê Thanh Hiền, hiện đang sống cùng gia đình chồng ở làng nghề Triều Khúc vẫn không ngừng tìm mọi cách để tìm lại cha mẹ ruột của mình, chị đã cùng chồng đến nhà hộ sinh quận Đống Đa để tìm lại những giấy tờ liên quan từ 29 năm trước. Chị Hiền cho biết: “Tại đây, trong sổ lưu giữ chi tiết và ngày sinh và giờ sinh. Trong ngày 12/12/1987 có 5 người đến nhà hộ sinh để sinh nhưng trong bảng chỉ ghi rất vắn tắt địa chỉ mà giờ đã thay đổi nên cuộc tìm kiếm người thân gặp rất nhiều gian truân".
Cả hai người phụ nữ bị mất con, hai người con gái hàng chục năm không biết gì về cha mẹ thật của mình dù vô cùng đau lòng, dù tưởng như chết đi khi nhận ra người thân xung quanh mình lại không phải máu mủ, ruột thịt của mình nhưng vẫn yêu thương nhau, vẫn cùng nhau sẻ chia mọi thăng trầm trong cuộc sống và vẫn nỗ lực vượt lên tất cả để tìm lại người thân của mình.
Tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của các ban, ngành, cơ quan chức năng, với sự chia sẻ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng xã hội, chị Trang, chị Hiền, bà Hạnh, bà Hoa sẽ tìm lại được người thân của mình.