Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự phòng rủi ro tăng đang triệt phá lợi nhuận ngân hàng

Theo Baodautu.vn
Chia sẻ Zalo

Do trích dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, nhiều ngân hàng khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay, nên phải điều chỉnh giảm.

Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) chỉ ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,12% tại thời điểm đầu năm lên 1,46%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 54%, lên 187 tỷ đồng. Vì vậy, theo lãnh đạo ngân hàng này, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 ở mức 300 tỷ đồng là rất khó hoàn thành.
Trong khi đó, do sớm nhận ra tình hình khó khăn của hoạt ngân hàng cũng như nợ xấu có dấu hiệu tăng đòi hỏi khoản dự phòng lớn, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã điều chỉnh giảm kế hoạch hoạt động ngay trong quý II/2016.
Cụ thể, nợ xấu của nhà băng này đã tăng đột biến lên 5,3%, cho dù tín dụng vẫn âm 4,62%, khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm chưa đạt nổi 80 tỷ đồng trước thuế, do dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi, lên 324 tỷ đồng trong quý này.

Chính vì vậy, HĐQT Eximbank đã quyết định điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm còn 400 tỷ đồng, giảm 44% kế hoạch đưa ra trước đó.

Không chỉ với nhà băng có tín dụng tăng trưởng âm như Eximbank tác động tiêu cực đến lợi nhuận, mà ngay cả những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ trên 20% trong 2 quý đầu năm nay cũng có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước. Một ví dụ điển hình là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Tính đến cuối quý III/2016, lãi trước thuế của TPBank đạt 354 tỷ đồng, mới đạt nửa kế hoạch cả năm, cho dù lợi nhuận quý III/2016 cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của TPBank, tính đến ngày 30/9, Ngân hàng đạt tổng tài sản 89.507 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 37.800 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cuối năm trước. Huy động tiền gửi khách hàng đạt gần 45.800 tỷ, tăng 15,9%. Trong hoạt động kinh doanh, lãi thuần quý 3 năm nay tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng và 9 tháng tăng 40%, đạt 1.407 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý III ghi nhận lỗ 8,8 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí hoạt động của TPBank năm nay tăng vọt so với năm trước, trong đó riêng quý III tăng 89,8%, lên 374 tỷ đồng và 9 tháng tăng 64,4%, với hơn 966 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, phần dự phòng rủi ro của TPBank tăng 46%, nên lợi nhuận giảm, trong đó, lợi nhuận trước thuế còn 354 tỷ đồng (giảm 17,8%) và lợi nhuận sau thuế còn 339 tỷ đồng (giảm 21,3%). Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận 695 tỷ đồng trong năm nay, kết quả hoạt động 9 tháng của TPBank mới đạt một nửa.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định, lợi nhuận ngân hàng đang và sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh, bất kể tín dụng tăng trưởng trong 3 quý và cải thiện tốt trong quý IV/2016. Những ngân hàng thương mại có triển vọng lợi nhuận tích cực, nhưng vì áp lực trích dự phòng rủi ro tăng cao, thì biên lãi thuần (NIM) giảm, nên sẽ tác động đến kết quả kinh doanh. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã tích cực tái cấu trúc sẽ có triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cũng cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã giảm trong những năm gần đây do ảnh hưởng bởi nợ xấu của ngành tăng cao, phải tăng trích dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng đưa ra năm 2016 và cả năm sau cũng sẽ khá thận trọng khi nợ xấu chưa thể xử lý nhanh.