Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2020: Nhiều quy định thiếu tính thực tiễn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi 2020 được Bộ TN&MT mở cổng góp ý trực tuyến, từ 13/12/2019 - 13/2/2020. Sau khi phân tích, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cùng đại diện các mạng lưới, liên minh, tổ chức, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam (các tổ chức xã hội) cho rằng, dự luật này còn nhiều điều mang tính lý thuyết, thiếu thực tiễn.

Ảnh minh họa.
Chưa có cơ chế đảm bảo quyền giám sát của người dân
Theo GreenID và các tổ chức xã hội, việc người dân tham gia trực tiếp vào quản lý, giám sát thực thi pháp luật là một trụ cột chính của thể chế quản trị công, đã được Hiến pháp 2013 quy định. Cùng đó, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 1/7/2018, tại Điều 8 cũng quy định rõ, người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 131, Luật BVMT năm 2014. Thế nhưng, dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020 không quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật.
Luật BVMT hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT.
Bên cạnh đó, mặc dù dự luật quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng lại không có quy định cụ thể về cơ chế đảm bảo quyền tham gia của người dân. Do vậy, người dân muốn tham gia cũng không biết đưa ý kiến qua kênh nào, hình thức và quy trình ra sao. Ngoài ra, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020 cũng không đề cập đến trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước về quyết định, hành vi của mình trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó và trước Nhân dân.
GreenID và các tổ chức xã hội cho rằng, hạn chế lớn nhất là sự tham gia của người dân chưa có khung pháp luật chi tiết, chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Hơn nữa, sự tham gia của dân có thể bị vô hiệu khi không có quy định kèm theo về trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ cụ thể như trường hợp của Công ty CP Nicotex Thành Thái có trụ sở tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa chôn lấp hơn 1.000 tấn chất thải nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật tại trụ sở công ty, làm môi trường đất bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân địa phương. Kể từ khi phát hiện (hành vi chôn lấp trái phép này từ năm 1999), người dân địa phương đã có ý kiến bằng lời cũng như văn bản gửi chính quyền các cấp nhưng không có trả lời. Mãi tới năm 2013, khi một người dân địa phương dũng cảm đứng đơn tố cáo cùng với sự hỗ trợ rất mạnh của báo chí thì UBND tỉnh Thanh hóa mới vào cuộc và xử lý vi phạm hành chính, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần bổ sung quy định để kiểm soát đặc thù
Trước thực tế vi phạm về môi trường, GreenID và các tổ chức xã hội đề xuất cần thiết phải bổ sung các quy định để kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng và DN có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường đó là: Đánh thuế và thu phí. Trong đó, quy định về đánh thuế đối với các cá nhân và DN gây ra chất thải độc hại cần bổ sung quy định đánh thuế BVMT theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Điều này nhằm hai mục tiêu chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Cùng đó cần đánh thuế vào lượng khí thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu chứa các-bon nhằm giảm lượng khí thải các-bon. Việc đánh thuế các-bon vào các chất đốt sẽ khuyến khích việc tìm ra các nguồn năng lượng thay thế không phát thải hoặc phát thải ít. Mặt khác, cần đánh thuế phương tiện xe cộ, được xác định căn cứ lượng khí CO2 thải ra và dung lượng của xe.