Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Kiểm soát chặt dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường… là những điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện.

Không cấp giấy phép đầu tư dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ảnh: Ngọc Viên
Thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 16 chương, 174 điều. Theo đó, Dự thảo Luật được bố cục lại so với Luật BVMT 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.

Đặc biệt, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trường kinh tế. BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành

Lần đầu tiên, dự thảo Luật Tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn. Đồng thời áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn, từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này không chỉ khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành mà còn không bỏ sót việc sàng lọc đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.

Mặt khác, dự thảo Luật không quy định tất cả các DN đều phải thực hiện quan trắc định kỳ như hiện nay, thay vào đó chỉ quy định những đối tượng có dấu hiệu gian dối trong báo cáo số liệu quan trắc chất thải tự động, liên tục không đúng thực tế; dấu hiệu vi phạm hành vi xả nước thải vượt QCVN hoặc khi nguồn tiếp nhận chất thải bị ô nhiễm bất thường thì phải thực hiện quan trắc chất thải trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu của cơ quan cấp Giấy phép môi trường. “Việc tự quan trắc chất thải để theo dõi, đánh giá quá trình vận hành công trình xử lý chất thải và giám sát hoạt động xả thải của mình là trách nhiệm của DN; khuyến khích DN thực hiện việc quan trắc chất thải định kỳ. Tôi cho rằng, quy định này đã xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của DN” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần