Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi có nhiều điểm mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Du lịch vừa cho biết, Bộ VHTT&DL đã đăng tải toàn văn Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi để lấy ý kiến công dân trước khi trình Quốc hội xem xét. Trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (sau đây gọi là Luật Du lịch 2005), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006.

Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Du lịch vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Năm 2016, Bộ VHTT&DL đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Nhằm cung cấp thêm các thông tin, lấy ý kiến Nhân dân, Báo Kinh tế&Đô thị tóm tắt một số vấn đề mới đề nghị sửa đổi trong Luật Du lịch 2005 để độc giả tiện theo dõi, đóng góp ý kiến:

Thay đổi thẩm quyền công nhận xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch

Luật Du lịch 2005 quy định xếp hạng, công nhận khu du lịch, điểm du lịch ở cấp quốc gia, cấp địa phương và quy định điều kiện để công nhận các khu du lịch và điểm du lịch. Đồng thời chia thành hai cấp cơ quan có thẩm quyền công nhận là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Việc quy định như vậy đang đặt ra một số tồn tại, vướng mắc trên thực tế như: Không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ được quy định tại Luật.

Khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thuế doanh nghiệp...nhưng trên thực tế theo quy định mới tại Luật Đầu tư thì du lịch không còn được coi là ngành, nghề được hưởng ưu đãi nữa.

Quy định công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định đánh giá.

Để khắc phục những bất cập này, Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận, và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng.

Bổ sung đối tượng và điều kiện kinh doanh lữ hành

Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Việc này khiến nảy sinh các vấn đề như: tạo ra sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay chính bản thân các quy định của Luật Du lịch 2005.  Tạo nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Trên thực tế không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp. Không thống nhất với pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp.

Nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, Luật Du lịch sửa đổi định hướng bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cao hơn so với tiêu chuẩn nghề lao động, mà thực tế nếu là nghề thì chỉ cần đáp ứng kỹ năng nghề là đạt yêu cầu. Luật Du lịch 2005 không quy định cụ thể hình thức đào tạo hay cách thức có chứng chỉ hướng dẫn nghiệp vụ du lịch (được xem là chứng chỉ nghề).

Nhắm đến mục tiêu tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện hơn và thay đổi nhận thức về nghề hướng dẫn du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết, Luật Du lịch sửa đổi sẽ điều chỉnh cách thức để có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Bổ sung quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Về vấn đề này, Luật Du lịch 2005 thực tế đang tồn tại một số bất cập: Hồ sơ, trình tự thủ tục chưa thể hiện tinh thần cải cách mạnh về thủ tục hành chính. Một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng trên thực tế vì chưa được quy định trong Luật Du lịch 2005 (tàu thủy lưu trú du lịch…). Số lượng cơ sở lưu trú du lịch đưa vào hoạt động mà không thực hiện thủ tục thẩm định, xếp hạng theo quy định. Để khắc phục những bất cập này, Luật Du lịch sửa đổi có bổ sung quy định về các loại cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

Điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch

Tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tiêu chuẩn và xếp hạng chất lượng dịch vụ vận tải khách du lịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định điểm dừng, đỗ thuận lợi cho các phương tiện vận tải khách du lịch.

Tổng cục Du lịch cho hay, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về vấn đề này, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trước khi chính thức trình Quốc hội thông qua.