Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Bộ VHTT&DL đối với Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)?
- Là cơ quan được Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo, Bộ VHTT&DL (đầu mối là Tổng cục Du lịch) đã chuẩn bị công phu và nghiêm túc cho việc soạn thảo Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2005 và nhận được sự nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Du lịch 2005 cho phù hợp với tình hình thực tế, tương thích với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật mới ban hành. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia; khảo sát một số địa phương trong nước; tham khảo pháp luật của các nước... để xây dựng Dự thảo. Các Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) sau đó đã được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, DN, hiệp hội, các bộ, ngành, địa phương. Sau lần dự thảo thứ 5, Dự thảo Luật Du lịch đã được hoàn thiện và có nhiều điểm thay đổi so với Luật Du lịch 2005.
Hướng dẫn viên giới thiệu lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho du khách nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Linh |
Theo ông, Dự thảo có những điểm nào được đánh giá cao và nếu được thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch phát triển?
- Tôi đánh giá cao Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) ở một số điểm sau: Thứ nhất, Dự thảo đã phù hợp và cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân... quy định tại Hiến pháp năm 2013; đã đồng bộ, tương thích với các bộ luật, luật mới được ban hành từ năm 2006 đến nay, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thứ hai, đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia. Thứ ba, Dự thảo được bố cục theo hướng hợp lý hơn; đã có những sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng về: Đối tượng áp dụng, chính sách phát triển du lịch, hành vi bị nghiêm cấm (Chương I); quy hoạch phát triển du lịch (Chương IV); khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch (Chương V); hợp tác và hội nhập quốc tế (Chương VIII); quản lý Nhà nước về du lịch (Chương IX)... Thứ tư, Dự thảo hiện nay thiên về “hậu kiểm” hơn là “tiền kiểm”; phù hợp với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”, tạo điều kiện cho các DN và người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong Dự thảo, nhiều thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hóa hoặc quy định chi tiết hơn tạo điều kiện cho việc thực hiện rõ ràng, hiệu quả. Thứ năm, Dự thảo đưa ra quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để hỗ trợ nâng cao chất lượng du lịch Việt
Theo ông, điều chỉnh nào có ý nghĩa nhất đối với du lịch Việt
- Tôi cho rằng, việc Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) thiên về “hậu kiểm” hơn “tiền kiểm” là điều chỉnh rất hợp lý trong bối cảnh phát triển du lịch Việt Nam hiện nay. Bởi chỉ khi nào công tác “hậu kiểm” được chú trọng và thực hiện hiệu quả thì mới có thể kiểm soát được chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đồng thời, đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho du khách – người sử dụng dịch vụ và các DN du lịch làm ăn chân chính. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín, tính cạnh tranh và hình ảnh của du lịch Việt
Nếu Dự thảo được Quốc hội thông qua, theo ông, chúng ta phải làm gì để văn bản này sớm đi vào cuộc sống?
- Nếu Dự thảo được Quốc hội thông qua, công tác tuyên truyền Luật Du lịch (sửa đổi) phải được đẩy mạnh để văn bản này sớm đi vào cuộc sống. Trước tiên, các cơ quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải đi đầu trong việc phổ biến chương trình nội dung và tinh thần của Luật. Mặt khác, cũng giống như quá trình xây dựng Dự thảo, các cơ quan thông tin đại chúng đã đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công của Dự thảo này. Luật Du lịch (sửa đổi) được thi hành thì vai trò của báo chí càng quan trọng. Báo chí phải góp phần tích cực đưa nội dung của Luật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho các cơ quan, tổ chức, DN, người dân hiểu đầy đủ, đúng đắn và dễ dàng nhất nội dung Luật.
Xin cảm ơn ông!