70 năm giải phóng Thủ đô

Dự thảo Nghị định mới về thừa phát lại: Mở rộng địa bàn lập vi bằng

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở rộng phạm vi lập vi bằng, làm rõ hơn thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại (TPL)... là những nội dung mới trong dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về TPL hiện hành.

Theo báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, các văn phòng TPL đã lập 77.156 vi bằng với doanh thu hơn 67,5 tỷ đồng (số lượng vi bằng được lập tăng gần 180%, doanh thu tăng 114% so với cả thời kỳ thực hiện thí điểm). Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực. Có thể thấy, trong 4 lĩnh vực hoạt động của TPL, việc lập vi bằng mang lại hiệu quả tốt nhất, đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân và đã dần trở thành một nhu cầu trong các hoạt động dân sự, sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông hướng dẫn khách hàng về nội dung được lập vi bằng. Ảnh: Văn Trọng

Theo quy định hiện hành thì TPL được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi đặt văn phòng TPL. Trong giai đoạn thí điểm, chế định TPL chỉ được thực hiện ở 13 tỉnh nên quy định này là phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng quy định này không còn phù hợp, làm hạn chế quyền được sử dụng TPL cũng như làm mất đi sự lựa chọn của người dân.

Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP đã có quy định, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 hướng dẫn, nhưng vẫn có tình trạng vi bằng được lập có nội dung không đúng thẩm quyền. Ví dụ: Vi bằng lập chứng nhận việc chuyển giao tiền nhưng kèm theo đó là văn bản thỏa thuận giữa các bên có nội dung bắt buộc phải công chứng, chứng thực; Vi bằng được lập để phân chia tài sản thuộc thẩm quyền công chứng, chứng thực; Vi bằng được lập để chứng kiến việc ký tên vào văn bản thỏa thuận thuộc thẩm quyền công chứng, chứng thực.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Công văn số 4003/BTP-TCTHADS thì không cho phép TPL được lập vi bằng sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng. Tuy nhiên, việc xác định hành vi, sự kiện “rõ ràng trái pháp luật” nhiều khi vượt quá khả năng đánh giá, nhận định của TPL trong khi chưa có cơ quan thẩm quyền nào xác nhận, tuyên bố hành vi thi hành công vụ có hợp pháp hay không. Mặt khác, việc hướng dẫn này không mang tính chất quy phạm nên thiếu tính cưỡng chế.

Dự thảo Nghị định mới mở rộng phạm vi địa hạt lập vi bằng của TPL từ phạm vi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi đặt văn phòng TPL ra phạm vi toàn quốc với lý do: Trong giai đoạn thí điểm, do tính chất là một nghề mới nên đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua và tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức đào tạo nghề TPL một cách bài bản; các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề cũng sẽ được nâng cao nên năng lực, trình độ của TPL sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của TPL như trên là phù hợp và cũng nhằm tạo điều kiện để phát triển hoạt động của các văn phòng TPL, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, TP chưa thực hiện chế định TPL.

Để làm rõ hơn thẩm quyền lập vi bằng của TPL, khắc phục những hạn chế nêu trên liên quan đến thẩm quyền lập vi bằng của TPL, nhất là trong mối quan hệ với hoạt động công chứng và chứng thực, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định các trường hợp không được lập vi bằng, đơn cử như nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình (những người thân thích đã được quy định trong Nghị định); Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng...