Quy định thuộc dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc dù mới được Bộ LĐTB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến bộ ngành liên quan những cũng đã nhận được những phản ứng từ dư luận, nhiều quan điểm không đồng tình vì cách làm máy móc, nghiên cứu trên bàn giấy.
Theo dự thảo quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi “có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận”. Có 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể. Đặc biệt, trong hình thức quấy rối tình dục phi lời nói có quy định nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… cũng bị coi là quấy rối tình dục.
Khi dự thảo này đưa ra phần lớn ý kiến cho rằng biểu hiện quấy rối tình dục rất mơ hồ, khó phân định đâu là quấy rối, đâu là hành vi giao tiếp thông thường. “Thế nào là nhìn gợi tình?”, “Nháy mắt liên tục đến mức nào bị coi là quấy rối, mắt tôi bệnh nên lúc nào cũng nháy liên tục thì sao”... là các câu hỏi mà nhiều người đặt ra nhất. Chưa kể rất khó để xác định các hành vi cho quy định này vì nó không phải là thứ vật chất hữu hình, khó lưu lại làm bằng chứng.
Điều quan trọng hơn, không phải chỉ nằm ở các định nghĩa, hành vi... mà còn ở động cơ, bối cảnh xảy ra sự việc. Chẳng hạn, một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau thì không thể tính là hành vi quấy rối tình dục. Hay, có thể người này thầm mến mộ người kia, có ánh nhìn hiện tình cảm, nhưng người tiếp nhận không chấp nhận tình cảm đó, cũng không thể là quấy rối tình dục.
Vẫn biết, bộ quy tắc không phải điều luật nhưng khi được đưa vào nội quy các cơ quan, công sở thì sẽ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, xử lý, kỷ luật, nghĩa là liên quan đến danh dự con người, nên cần phải thật rõ ràng. Sự rõ ràng còn giúp người bị quấy rối sẽ phản ánh những kẻ quấy rối tình dục, khiến những kẻ đó không thể quanh co phủ nhận. Tuy nhiên, cách mà dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc thể hiện là sự máy móc, quẩn quanh, lan man, tự bó vào điều phức tạp, thậm chí không thể giải quyết được.
Chính vì vậy, khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử hay quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, việc đầu tiên là phải trong sáng, dễ hiểu và tránh trường hợp một nội dung có thể hiểu nhiều cách khác nhau. Nếu càng đi vào chi tiết càng phải đòi hỏi độ chính xác cao. Đối với những quy định mù mờ, không xác định được tính chất của hành vi, thì không áp dụng được vào trong thực tế đời sống.
Hy vọng sau những góp ý của các đơn vị liên quan, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa theo những đóng góp của nhiều chuyên gia để có thể thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ nhân phẩm và sự bình an cho cả hai giới trong môi trường công sở.