Theo thống kê của Liên đoàn Bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA) năm 2010, dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của ngành kinh doanh đa cấp trên toàn cầu vẫn đạt hơn 110.000 triệu USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 20 - 30%, số lượng người tham gia đạt gần 75 triệu người. Trong năm 2015, doanh số bán lẻ toàn cầu theo phương thức BHĐC đạt 183.729 triệu USD. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam đến nay, hoạt động BHĐC đã thu hút sự tham gia của hơn 600.000 người và đem lại doanh thu hơn 7.800 nghìn tỷ đồng. Việt Nam là thị trường mới nổi của hoạt động BHĐC, do vậy cần được quan tâm để phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, DN và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
BHĐC có tính chất đặc thù là mua sản phẩm càng nhiều và bán được càng nhiều hàng thì chiết khấu, lợi ích kinh tế càng cao. Để đạt mục tiêu có thể bán được nhiều hàng thì người tham gia cần xây dựng cho mình mạng lưới bán hàng – hệ thống phân phối là các cá nhân độc lập. Càng nhiều người tham gia, hàng hóa sẽ càng được biết đến một cách rộng rãi và thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng. Do đó, từ hình thức kinh doanh này sẽ dẫn đến nảy sinh một số mô hình đa cấp biến tướng, bất chính, mà ở đó việc bán hàng hóa, tăng doanh số bán hàng không phải là mục đích được hướng đến. Thay vào đó là việc dụ dỗ, tuyển người vào mạng lưới, ép buộc đóng tiền phí tham gia, yêu cầu phải mua sản phẩm với giá cao… để công ty có lợi nhuận từ chính những người tham gia. Tiền từ người tham gia sau trả cho người tham gia trước, làm mất đi bản chất của việc kinh doanh hàng hóa.
Với diễn biến hiện tại, thị trường BHĐC tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn ảm đạm nhất trong lịch sử phát triển của ngành. Hàng loạt các DN BHĐC chấm dứt hoạt động vì môi trường kinh doanh ngành này tại Việt Nam quá nhiều rào cản, từ quan niệm của công chúng về hoạt động BHĐC cho đến chính sách pháp luật theo hướng ngày càng siết chặt quản lý. Thật vậy, Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối rõ ràng để điều chỉnh, quản lý hoạt động BHĐC với các quy định tương đối nghiêm khắc và chặt chẽ về hành vi bị cấm, trong khâu cấp phép và xử phạt hành chính. Từ những văn bản đầu tiên quy định hoạt động (bao gồm: Luật Cạnh tranh 2004, Nghị định 110/2005/NĐ-CP) cho đến văn bản xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Nghị định 124/2015/ND-CP, Nghị định 71/2014/NĐ-CP), văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 42/2014/NĐ-CP). Sắp tới là nghị định thay thế Nghị định 42 đang trong giai đoạn dự thảo, góp ý từ người dân, cộng đồng DN, hiệp hội và các bộ, ngành với tinh thần vẫn sẽ duy trì và đưa ra các quy định thắt chặt hơn đối với DN.
Qua số liệu về hoạt động BHĐC năm 2016 của các DN, có thể thấy, số lượng DN BHĐC giảm mạnh trong năm 2016 (giảm 45%), số lượng người tham gia BHĐC cũng giảm tương đối lớn (giảm 25%) và doanh thu toàn ngành giảm khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 2,5%). Từ đầu năm 2016 đến nay không có DN nào mới tham gia thị trường BHĐC đã cho thấy những tâm lý lo ngại của DN đối với ngành, kết hợp với những rào cản trong chính sách hiện tại đã ngăn cản sự phát triển của toàn ngành. Những DN có uy tín trên thế giới cũng e ngại khi mở rộng hoạt động kinh doanh đến Việt Nam . Điều này tác động lớn đến việc tạo công ăn việc làm và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, hiện tại, DN có mong muốn tiếp cận hoạt động BHĐC đang gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục cấp phép hoạt động trong giai đoạn sắp chuyển tiếp giữa Nghị định 42 và Nghị định mới sắp thay thế. Thực tế cho thấy, đã có DN thành lập hơn một năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực sự triển khai hoạt động kinh doanh đúng với định hướng và mục tiêu đầu tư vì chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Hiện nay, số lượng DN này đang bỏ ra chi phí từng ngày để vận hành, từ chi phí thành lập DN ban đầu đến các chi phí thuê lao động, văn phòng. Theo tính toán sơ bộ, DN mới thành lập trên phải bỏ ra chi phí gần 2 tỷ đồng/tháng để hoạt động cầm chừng mà chưa có bất kỳ một hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận nào.
Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 đã chỉ rõ, Chính phủ bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Trong đó, chỉ rõ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ triển khai và thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN theo đúng các cam kết quốc tế.
Do vậy, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường chức năng, trách nhiệm quản lý của mình để phát hiện, xử lý và từ đó loại bỏ các công ty BHĐC lợi dụng hình thức này để vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi bất chính. Đồng thời hoàn thiện công tác lập pháp, hoàn thiện các quy định pháp luật về bán hàng đa cấp, xử phạt hành vi vi phạm về BHĐC và xử lý trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Thứ hai, tăng cường chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN này sau cấp phép, kể cả các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan đến sản phẩm hàng hóa của các DN này. Thứ ba, có cơ chế xác định và quy định giá của sản phẩm, hàng hóa. Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, nâng cao dân trí để họ hiểu đúng về bản chất của hình thức BHĐC, chú trọng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, hiểu rõ và đúng chương trình trả thưởng của DN đa cấp. Thứ năm, các chủ trương, chính sách, đường lối chỉ đạo chung thống nhất với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và gia nhập.
Với mong muốn Việt Nam là thị trường kinh doanh đầy hứa hẹn và mang lại lợi ích cho các DN không chỉ cần sự nỗ lực của chính bản thân DN mà còn là sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước.
Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ cũng đưa ra các mục tiêu chung các quốc gia thành viên thực hiện tự do hoá thương mại dịch vụ bằng cách mở rộng chiều sâu và phạm vi tự do hoá vượt trên các cam kết mà các quốc gia thành viên đã cam kết tại Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ của WTO (GATS) với mục đích thực hiện một khu vực thương mại tự do về dịch vụ. |