Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa các đồ án quy hoạch sớm vào cuộc sống

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công tác quy hoạch, phát triển đô thị đã được quan tâm, đẩy mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô cần gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Việt Dũng
Quy hoạch Thủ đô cần gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Việt Dũng

Nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận nhằm đưa ra các định hướng mới sát thực tế phát triển, để các đồ án quy hoạch sớm đi vào cuộc sống sau khi được phê duyệt.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ hơn 1.000 đồ án quy hoạch

Cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Chiến lược). Trong đó đã đưa ra những định hướng phát triển quan trọng đối với mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị… của TP. Để thực hiện Chiến lược, trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã quyết liệt, quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nhất là cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011). TP đã đồng bộ theo hệ thống quy hoạch đô thị phủ kín ranh giới Thủ đô, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm chủ yếu.

Dư luận đánh giá cao một số đồ án, khu đặc thù đã được điều chỉnh thay cho các quy hoạch đã duyệt cách đây 20 - 25 năm như quy hoạch phân khu khu phố cổ, khu Hồ Gươm, khu phố cũ. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, với số lượng 1.165 đồ án (cả lập mới và điều chỉnh cho đô thị, nông thôn mới) đã thực sự là định hướng, công cụ quản lý để làm căn cứ quan trọng hình thành kế hoạch 5 năm và hằng năm tại các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc lập, phê duyệt quy hoạch, TP đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, chương trình, đề án, kế hoạch để các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện, kêu gọi đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

 

Xét về tổng thể, khi lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 phải lồng ghép các mục tiêu thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, lịch sử trong lập và quản lý quy hoạch. Tăng cường hợp tác quốc tế và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh.
Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam,
TS.KTS Trương Văn Quảng

Về phát triển đô thị, cách đây 10 năm, tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt khoảng 40% thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 50%. Tuy còn thấp hơn mục tiêu đặt ra nhưng đã có nhiều chú trọng hơn về chất lượng phát triển, nhất là khu vực đô thị trung tâm, khu vực ngoại thành, xây dựng nông thôn mới. Đây là những tiền đề để một số huyện trở thành quận, theo định hướng mở rộng đô thị trung tâm, hình thành đô thị vệ tinh. Trong phát triển các khu đô thị mới, khu nhà ở đã phát triển mạnh với các mô hình mới như khu đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh... Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã phát triển về số lượng và chú trọng đến công nghiệp sạch, ứng dụng khoa học - công nghệ. Tuy rằng còn dàn trải, còn chưa đúng kế hoạch thực hiện nhưng đã thực sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội…

Trong Chiến lược đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo định hướng đồng bộ và hiện đại. Những năm qua, định hướng này đã được TP quan tâm và thể hiện cụ thể qua các đồ án quy hoạch. Hệ thống giao thông tuy chưa thực hiện đồng bộ như quy hoạch đã xác định như mạng đường giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, song đã có những đột phá như xây dựng và hình thành một số tuyến đường sắt đô thị, từng bước hoàn thiện đường vành đai, các trục đường kết nối với vùng, với các đô thị vệ tinh. Các quy hoạch ngành như điện lực, thông tin, cấp thoát nước, xử lý chất thải, tuy chưa đạt tiến độ nhưng đã có đóng góp trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Khắc phục tồn tại, đưa ra các định hướng mới

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, giai đoạn 2021 – 2030, công tác quy hoạch của TP đứng trước nhiều nhiệm vụ nặng nề. Để thực hiện mục tiêu phát triển đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2030 rất cần chú trọng, quan tâm đến nâng cao chất lượng quy hoạch. Hiện, TP đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô đồng thời với Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cùng với xây dựng Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới.

Đây có thể coi là chủ trương linh hoạt có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là lĩnh vực tổng hợp nên không chỉ lựa chọn tổ chức tư vấn tốt mà còn cần tổ chức cơ động, tập trung trí tuệ trong tổ chức thực hiện và thẩm định. Bên cạnh đó, rất cần TP chỉ đạo đổi mới quy trình lập quy hoạch, đa dạng hóa công tác tư vấn, phản biện, huy động nguồn lực trí thức và cộng đồng.

Theo Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, được phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Về mặt lý luận đây là mô hình phù hợp cho một cấu trúc đô thị lớn - siêu đô thị hay một vùng đô thị… Khát vọng, mong muốn của người dân Thủ đô và cả nước về một Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế… là chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập mang tính tầm nhìn chiến lược.

“Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét thêm về cấu trúc không gian, mô hình quản lý phát triển để Quyết định số 1259/QĐ-TTg đi vào cuộc sống. Việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 là cơ hội để Hà Nội nhìn lại, khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, đưa ra các định hướng mới mang tính chiến lược hơn” - TS. KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

Về trọng tâm đối với ngành, lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Thạc sĩ, KTS Lã Hồng Sơn đề xuất, trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND TP chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, trọng tâm là điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh còn lại. Tổ chức triển khai thực hiện lập các quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị. Tăng cường lập các thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết các khu vực không gian chức năng, hạ tầng quan trọng, nâng cao sự quản lý của Nhà nước...

Để hoàn thành các công việc này cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các sở, ngành, địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nghiên cứu đề xuất mô hình và bộ máy quản lý “TP trực thuộc Thủ đô” gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô.