Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa công chứng trở thành dịch vụ công chuyên nghiệp

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2016 đến năm 2020, Hà Nội dự kiến thực hiện việc chuyển đổi 10 Phòng Công chứng (PCC) thành Văn phòng công chứng (VPCC).

Công tác chuyển đổi nhằm góp phần đưa công chứng trở thành dịch vụ công chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được hưởng thụ dịch vụ pháp lý an toàn, chất lượng cao.
Trao quyền cho các công chứng viên
Hà Nội hiện có 10 PCC với 82 công chứng viên (CCV), 81 viên chức và hợp đồng lao động đang hoạt động hành nghề tại 10 quận, huyện, thị xã. Là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, PCC với nòng cốt là CCV được Nhà nước ủy quyền cung cấp dịch vụ công. Tuy cùng cung cấp một loại dịch vụ công như nhau nhưng PCC và các VPCC hiện đang được quản lý bằng các mô hình tổ chức khác nhau, dẫn đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng trên địa bàn giữa các tổ chức hành nghề là khác nhau.

Trụ sở Phòng Công chứng số 4 TP Hà Nội.      Ảnh:  Thái San

Theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 4/2/2016 của UBND TP, Hà Nội thống nhất chủ trương chuyển đổi PCC thành VPCC theo phương thức trao quyền quản lý, hoạt động của PCC (chuyển đổi) cho chính các CCV đang hành nghề tại PCC. Vừa qua, Hà Nội triển khai thí điểm việc chuyển đổi PCC số 4 (tại quận Thanh Xuân), PCC số 6 (tại quận Hoàng Mai). Trên cơ sở tham khảo công tác chuyển đổi PCC tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã tổ chức việc họp khảo sát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của các PCC số 4, 6 trong các năm 2013, 2014, 2015; cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CCV, viên chức và người lao động tại các PCC số 4, 6. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi phải đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công chứng cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu diễn ra một cách bình thường, thông suốt.
Sớm chuyển đổi để ổn định
Theo ông Nguyễn Xuân Bang - Trưởng PCC số 6, thực thi tốt việc chuyển đổi PCC tất yếu góp phần tạo ra những cơ hội và hệ quả hữu ích như giảm sức ép về sự quá tải trong công việc của cơ quan Nhà nước về cung cấp dịch vụ công; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, nhân lực. Đồng thời, góp phần đưa công chứng trở thành dịch vụ công chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tổ chức được hưởng thụ dịch vụ pháp lý an toàn, chất lượng cao, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
Tuy nhiên, ông Bang cho rằng, đây là vấn đề mới, đặt ra nhiều nội dung cần giải quyết như chính sách này chưa từng có trong tiền lệ quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng; việc giải quyết hài hòa quyền và lợi ích kinh tế giữa Nhà nước với CCV, viên chức, người lao động đang hoạt động tại PCC; các giải pháp hợp lý trong việc xác định giá trị chuyển đổi; cơ chế quản lý nhà nước sau chuyển đổi... “Về giá quyền nhận chuyển đổi, chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội có văn bản hướng dẫn cụ thể phương thức tính giá chuyển đổi PCC thành VPCC để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn TP, trong phạm vi toàn quốc” – ông Bang đề xuất.
Đối với PCC số 6, ông Nguyễn Xuân Bang cũng cho hay, các bước khảo sát tại đơn vị về tư tưởng cán bộ, nhân viên đã thông suốt; nội bộ đơn vị đã thống nhất về tổ chức và hoạt động của VPCC sau chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc thẩm định giá đã hoàn tất và được Sở Tài chính nhất trí thông qua; cách thức xử lý các quỹ và xử lý tài sản cũng như chế độ cho công chức, viên chức và người lao động đã được Ban chỉ đạo chuyển đổi thống nhất và toàn thể người lao động trong đơn vị nhất trí. Vì vậy, sớm chuyển đổi để đảm bảo kế hoạch chuyển đổi các PCC trên địa bàn TP, ổn định tư tưởng cho người lao động.
Sau khi thực hiện chuyển đổi 2 PCC số 4, 6, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng chuyển đổi các PCC còn lại.