Cách đây 70 năm, tháng 3/1947, trong lúc cả nước vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm được Ban T.Ư vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947. Ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, trình bày theo cách hỏi - đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản, từ mục đích, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng cây ăn quả tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện |
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành tìm hiểu, nhận thức rõ hơn hoàn cảnh ra đời, nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giá trị to lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay. Qua đó cảm nhận sâu sắc khát vọng cháy bỏng, trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, sáng tạo, tầm nhìn vượt thời đại, kết đọng những giá trị nhân văn cao đẹp của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đề cập về giá trị định hướng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay qua tác phẩm “Đời sống mới”, GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, tại một số nơi xảy ra tình trạng địa phương chỉ quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa thật sự chú trọng đến sản xuất, tăng mức thu nhập cũng như đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. “Trong tình hình đó, nếu không tỉnh táo xem xét mà cứ dễ dãi công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đô thị đạt danh hiệu đô thị văn minh thì chỉ là dối nhau. “Chớ làm dối” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn trong tác phẩm “Đời sống mới” từ năm 1947 vẫn còn như tiếng còi cảnh báo cho cuộc vận động ngày hôm nay” - GS.TS Mạch Quang Thắng nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung về xây dựng nền văn hóa mới hiện nay trong tác phẩm “Đời sống mới” như công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới. Bên cạnh việc phân tích những giá trị lý luận của tác phẩm “Đời sống mới”, các đại biểu đến từ nhiều tỉnh, TP khẳng định, thời gian qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực song cũng còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rõ hơn những quan điểm, tư tưởng của Người trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để đạt được mục tiêu.
Chú trọng nhân rộng gương điển hình học và làm theo Bác Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 37 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và chuyên đề 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Theo đó, các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội, các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức việc học tập chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề đưa nội dung chủ đề năm 2017 vào trong sinh hoạt ở chi bộ, đoàn thể và sinh hoạt ở các cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII), Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính 2017”, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội… Chú trọng biểu dương, nhân rộng gương điển hình, cách làm hay của các đơn vị, địa phương. |