Ngày 6/9, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.
Theo đó, quyết định xác định tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu của chính quyền điện tử thành phố. Đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử Hà Nội, đưa thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực về phát triển chính quyền điện tử, tạo tiền đề phát triển chính quyền số, thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Đến năm 2030, TP Hà Nội với chính quyền số là động lực phát triển kinh tế tri thức, xã hội văn minh, hiện đại, phát triển bền vững trên cơ sở hạ tầng đô thị "thông minh" phát triển ở mức độ cao. Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Về chỉ tiêu phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử: Hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu đảm bảo an toàn thông tin và đủ năng lực để triển khai các thành phần khác của chính quyền điện tử Hà Nội; hoàn thành triển khai các cơ sở dữ liệu cốt lõi (đất đai, dân cư, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức) và các cơ sở dữ liệu quan trọng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho các ứng dụng; xây dựng các nền tảng ứng dụng dùng chung, hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công và các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, làm cơ sở xây dựng chính quyền số.
Thành phố cũng sẽ phát triển 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cung cấp qua Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Thành phố và Trung ương. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 70% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Thành phố phấn đấu: 60% các hệ thống thông tin có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu của Thành phố và Quốc gia không phải cung cấp lại. 90% hồ sơ công việc tại các sở, ban, ngành, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Đến cuối năm 2022, phấn đấu 100% cấp thành phố, 80% cấp quận, huyện thực hiện họp thông qua hệ thống họp trực tuyến. Hà Nội tiếp tục duy trì chỉ số về chính quyền điện tử nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu trên cả nước.
Quyết định cũng quy định về các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử; quan điểm xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử Hà Nội; khung tham chiếu Kiến trúc chính quyền điện tử Hà Nội và vai trò của Kiến trúc thành phần; lộ trình phát triển chính quyền điện tử thành phố Hà Nội.
UBND TP giao Sở TT&TT trực tiếp quản lý Kiến trúc chính quyền điện tử Hà Nội; tham mưu UBND thành phố kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử Hà Nội khi có thay đổi…
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố phối hợp Sở TT&TT triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử Hà Nội. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị phải tuân thủ Kiến trúc đã được phê duyệt theo quy định nhằm đảm bảo sự kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan trên địa bàn Thành phố với các cơ quan Trung ương và giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.