Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của một địa phương, góp phần vào sự giàu có và tiến bộ của xã hội.

Nhận thức được giá trị của ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), Hà Nội đã định vị lĩnh vực này như một ngành kinh tế chủ đạo trong chiến lược phát triển của Thủ đô.

Bước đột phá để văn hóa thấm sâu, lan tỏa

Để tiếp tục tạo bước đột phá trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu sớm đưa ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP (vào năm 2030) và 10% GRDP của TP (đến năm 2045).

Người dân tham quan Triển lãm ảnh về Thủ đô Hà Nội tại chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhật Nam
Người dân tham quan Triển lãm ảnh về Thủ đô Hà Nội tại chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhật Nam

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô, thể hiện sự đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ TP nhằm thích ứng với xu thế phát triển văn hóa của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư vốn trong, ngoài nước, CNVH của Thủ đô đã dần hình thành, thúc đẩy thị trường CNVH của Thủ đô.

Trong đó, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có sức hút trên cơ sở phát huy được giá trị của di sản văn hóa đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước như: không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng gắn với việc khám phá các di sản văn hóa khu phố cổ; chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn; điểm du lịch thưởng thức trà sen Quảng An...

Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương, trở thành điểm du lịch hấp dẫn như huyện Thường Tín với làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm với làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Đông với làng nghề lụa Vạn Phúc...

Cùng với đó, TP Hà Nội chủ trương tái đầu tư cho sản phẩm văn hóa, chỉ đạo các công ty du lịch xây dựng tour, tuyến đến các điểm di tích, đầu tư mẫu mã quà tặng mang bản sắc Thủ đô một cách bài bản. Năm 2022, du lịch Thủ đô đã tạo được điểm nhấn quan trọng là xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa, như khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; ra mắt sản phẩm tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”; tour du lịch văn học; khai trương các tuyến phố đi bộ mới ở Thành cổ Sơn Tây, tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội...

TP cũng đẩy mạnh khai thác giá trị di sản văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị; thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức thường niên như chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, ngày chạy marathon quốc tế di sản Hà Nội, Lễ hội bơi chải truyền thống Hà Nội mở rộng, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo... Qua đó, TP Hà Nội vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế...

Tính đến năm 2023, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,7%/năm, gấp 1,43 lần so với cả nước. Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3,5 lần so với năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.602 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của TP.

Xây dựng thương hiệu của Hà Nội

Hà Nội có nền văn hóa phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa truyền thống và hiện đại đặc sắc. Theo giới chuyên gia, định vị các lĩnh vực CNVH là tập trung vào việc tận dụng, phát triển các nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt này như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thời trang... Vì vậy, để phát triển các ngành CNVH, TP cần tạo ra cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, sáng tạo, phát triển các dự án văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng môi trường thuận lợi để các DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo, phát triển nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm văn hóa. Cần tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, DN, các cơ quan nghệ thuật, văn hóa và cộng đồng, để xây dựng một hệ sinh thái CNVH mạnh mẽ, phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, định vị các lĩnh vực CNVH ở Hà Nội không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng danh tiếng và thương hiệu của TP, tạo ra cơ hội việc làm và thu hút du khách. Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH ở Hà Nội là một bước quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra sự đa dạng kinh tế. Qua việc tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt, cung cấp hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, sáng tạo, hợp tác, Hà Nội có thể trở thành một trung tâm CNVH đáng chú ý, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương và đem lại lợi ích lan tỏa cho đất nước.

 

Hà Nội là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển CNVH của cả nước. Với Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy cùng hàng loạt các chương trình, chỉ thị, kế hoạch… Thủ đô thực sự đã có nhiều bứt phá trong lĩnh vực văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Những năm qua, nhận thức của lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô về văn hóa đã có chuyển biến vượt bậc. Sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa nói riêng và CNVH nói chung. Bước tiến vượt bậc ấy thể hiện qua việc nhiều chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, CNVH, người Hà Nội liên tục được triển khai.
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Hà Nội mà không trở thành địa phương tiêu biểu về văn hóa cho cả nước, không trở thành điển hình, không dẫn đầu về văn hóa của cả nước, Hà Nội không còn là Hà Nội.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc