Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc cổ
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Trung tâm đã phối hợp với viện Khảo cổ học tiến hành khai quật với diện tích 982m2 ở phía Đông điện Kính Thiên. Kết quả khai quật đã phát hiện các dấu tích kiến trúc cùng hàng nghìn di vật từ thời Đại La qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.
Trong đó, dấu tích các móng cột dấu tích thời Trần được trang trí bằng dải nền “hoa chanh” có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, hồ nước xây bằng gạch có niên đại khoảng cuối thời Lê Trung Hưng lần đầu tiên được phát hiện.
Các cuộc khai quật thường xuyên, hàng năm ngày càng bổ sung nhiều tư liệu mới về cấu trúc của Kinh đô Thăng Long, đồng thời cung cấp toàn diện hơn chứng tích vật chất góp phần trùng tu, phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên.
Bên cạnh đó, ông Trần Việt Anh đã báo cáo một số công tác về bàn giao tiếp nhận di tích, di vật đảm bảo thống nhất quản lý Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long; công tác nhất thể hóa quản lý di sản Thăng Long theo khuyến nghị của ICOMOS; công trình giáo dục di sản; công tác nghiên cứu, phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa.
Tại hội nghị, các chuyên gia kiến nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét và dành sự quan tâm đặc thù với khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. GS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị UBND TP có chỉ đạo đột phá, hiệu quả và triệt để nhất thể hóa khu di sản.
“Là một người hàng ngày nghiên cứu tại Hoàng thành Thăng Long, chiêm nghiệm và suy nghĩ, tôi nhận thấy Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đang từng bước có những bước phát triển vững chắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, so với cam kết của Chính phủ, khuyến nghị của UNESCO, công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn chưa đạt được tính đột phá, hiệu quả để xứng tầm Thế giới của khu di sản”- GS Tống Trung Tín nói, đồng thời đề xuất UBND TP thu hồi tất cả các diện tích được định vị mốc quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, đăng ký với UNESCO; triệt để thực hiện việc bàn giao toàn bộ các di vật khảo cổ cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý; Việc nghiên cứu tiếp tục sẽ do UBND TP Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thảo luận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tới dự hội nghị cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, phục hồi lễ hội đèn Quảng Chiếu, hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa…
Đề xuất thiết kế xây dựng Hoàng Thành Thăng Long bằng công nghệ 3D và thực tế ảo
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận những ý kiến đề xuất xác đáng của các đại biểu. Đồng thời cho biết: Đến nay, TP bố trí đủ nguồn lực để các nhà khoa học tổ chức công tác khảo cổ. Cùng với đó, có chế độ chính sách bồi thường hợp lý cho 3 hộ gia đình ở chân cột cờ Hà Nội trên sự thống nhất của các hộ, nhằm giải phóng mặt bằng khu này.
Đối với các di sản và hiện vật, vừa qua TP đã huy động nguồn xã hội hóa, phối hợp với các họa sĩ tổ chức con đường không gian nghệ thuật đương đại trong tòa nhà. Cùng với đó, Quốc hội và Viện khoa học xã hội đã thống nhất theo luật Di sản sẽ bàn giao toàn bộ di sản cho Hà Nội quản lý và bảo quản.
Bên cạnh đó, TP đã mời 3 tập đoàn lớn trong nước và quốc tế để triển khai trông toàn bộ cây trong khu vườn trong khuôn viên Hoàng Thành, đồng thời thiết kế lại không gian đi bộ, phục vụ du khách và người dân.
Liên quan đến việc toàn bộ dự án Hoàng Thành hiện đang bị chậm so với tiến độ, Chủ tịch UBND TP chỉ rõ nguyên nhân là do trình độ cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long còn hạn chế về năng lực làm thủ tục và chuyên môn, dù TP đã bố trí đủ vốn.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: Tập thể lãnh đạo TP quyết tâm đưa Hoàng Thành Thăng Long trở thành công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và đất nước, gắn kết khu Nhà sàn Bác Hồ, Lăng Bác, Tòa Quốc hội, tạo liên kết thành khu du lịch của Hà Nội…
Thống nhất một số quan điểm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long xây dựng chương trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án trong năm 2019. Theo đó, TP sẽ bố trí đủ ngân sách tài chính để đẩy nhanh tiến độ công tác khảo cổ. “Nếu công tác khảo cổ không đi trước thì sẽ không giải quyết được các bước tiếp theo” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải thực hiện bằng được việc cải tạo lại nhà 18 Hoàng Diệu và trồng lại toàn bộ hệ thống cây xanh, tạo thành vườn hoa liên kết với tòa nhà Quốc hội, tạo một khuôn viên thống nhất; đồng thời đề xuất bổ sung bãi đỗ xe.
Chủ tịch UBND TP đề nghị cần lên phương án hoàn thiện hồ sơ, đặt mục tiêu đến năm 2020 phải động thổ khởi công để cải tạo, duy tu toàn diện điện Kính Thiên - trung tâm của khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh đó, cần tập trung vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, duy tu lại khuôn viên Cột cờ Hà Nội để kết nối không gian du lịch ở khu vực này.
Nhấn mạnh quan điểm Hà Nội luôn coi trọng phát triển văn hóa song song với phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TP cho rằng cần tạo ra các lễ hội mang tính đặc trưng của Hà Nội, trong đó chú trọng khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian như: Lễ hội đua thuyền, lễ hội ẩm thực Hà Nội với quy mô lớn, lễ hội làng nghề truyền thống…
Đáng chú ý, nhằm phát huy giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, trên cơ sở có thiết kế sơ bộ và tổng thể của khu vực Hoàng thành, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề xuất xây dựng thiết kế toàn bộ khu vực này bằng công nghệ 3D và thực tế ảo. “Người tham quan có thể trải nghiệm công trình văn hóa bằng công nghệ 3D và thực tế ảo. Đây là cách giáo dục lịch sử tốt nhất, trực quan nhất, đồng thời sẽ là công trình văn hóa thu hút khách du lịch” - Chủ tịch UBND TP nói.