Tại hội nghị, Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Hoài Đức Đồng Thị Nga thông tin: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm (ước thực hiện) 17.236,5 tỷ đồng, đạt 55,23% kế hoạch năm, tăng 14,27% so cùng kỳ năm 2022. Huyện Hoài Đức có thêm 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP được TP công nhận từ 3 sao trở lên là 95 sản phẩm.
Huyện đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao năm 2023 đối với 11 xã, (trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Hoàn thiện bản đồ phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô của 12 xã.
Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện.
Thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đối với 51 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Điều động, luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU và Quy định số 07-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ đối với 3 Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền và giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn, ước thực hiện đến hết tháng 6/2023 đạt 82,1% tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng…
Tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý đô thị Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết, để trở thành quận, huyện còn 5 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng, cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý.
Các xã, thị trấn đã đạt 236/300 tiêu chí, còn 64 tiêu chí chưa đạt, 20/20 xã, thị trấn đã đạt mức yêu cầu tối thiểu về cơ sở hạ tầng thành lập phường. Tuy nhiên còn chưa đáp ứng tiêu chí cân đối thu chi ngân sách (mới có 2/20 xã, thị trấn cân đối thu chi).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế về nguồn lực đầu tư, tốc độ đô thị hóa chưa cao. Một số tiêu chí của huyện chưa đạt là tiêu chí khó, còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nên cần được các sở, ngành TP quan tâm tháo gỡ như: Cân đối thu chi ngân sách của huyện và các xã, thị trấn, tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2, công trình thương mại cấp đô thị…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho rằng: Việc xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng mà các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện trọng quyết tâm thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.
Huyện quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện toàn diện, có hiệu quả các chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Làm tốt công tác quy hoạch xây dựng, cân đối thu chi ngân sách, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó ưu tiên thúc đẩy, sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, bảo đảm đến hết năm 2024, huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí quận, phường để trình cấp thẩm quyền thành lập quận...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh: Đến hết năm 2024, huyện Hoài Đức sẽ hoàn thành các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế, duy trì tốc độ phát triển kinh tế từ 10 - 11%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ trên 58%, công nghiệp xây dựng trên 38%, nông nghiệp dưới 4%. Huyện tự cân đối được thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đạt hơn 92 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt từ 90% trở lên, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 95%, gia đình văn hóa đạt 92% trở lên. 100% số thôn có nhà văn hóa văn minh, tạo việc làm mới cho khoảng 5.500 người/năm. Huyện không có hộ nghèo, hoàn thành thêm 20km đường giao thông mới theo quy hoạch trong giai đoạn 2023 - 2024. Nâng tổng số chiều dài đường giao thông đô thị (tính đường có chiều rộng phần xe chạy từ 6m trở lên) khoảng 342km…