Đưa lãi suất huy động về dưới 9,5%: Khó cũng phải làm!

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã họp với các hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động và thanh khoản hệ thống...

 Dù vậy, sau cuộc họp với VNBA, theo khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị, lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn đang ở mức cao.

Lãi suất huy động vẫn nóng

Theo VNBA, so với cuối năm 2021, tính đến 14/12 (thời điểm trước cuộc họp của Hiệp hội này với các ngân hàng - ngày 15/12), mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng tăng khoảng 3 – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng năm 2022. Các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sau cuộc họp với VNBA, lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn ở mức cao. Tính đến cuối tuần qua (18/12), nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với mức lãi suất cao từ 10 - 11%/năm.

Như Saigonbank niêm yết mức lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng tại Saigonbank cũng được trả lãi 10%/năm. BaoViet Bank cũng áp dụng mức lãi suất trên 10%/năm; DongA Bank lãi suất cao nhất niêm yết là 9,85%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.

NCB áp dụng lãi suất cao nhất tới 10,1%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu tại ngân hàng này thông qua ứng dụng NCB iziMobile với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Ngoài ra, không ít ngân hàng có mức huy động tiệm cận 10%/năm như SCB với 9,95%/năm; MSB 9,9%/năm…

Một số khách hàng cho rằng, cũng có ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế. Cụ thể, lãi suất huy động ngân hàng công bố cao nhất cũng chỉ 9,2%/năm – 9,5%/năm. Nhưng vẫn được cộng thêm tiền thưởng khuyến mại giữa khách hàng với nhân viên, hoặc bằng cách tặng thêm hàng loạt quà tặng.

Trước đó, khi trao đổi về việc lãi suất huy động tăng nhanh, các ngân hàng đã nêu một loạt các khó khăn, tồn tại. Đơn cử, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn Nhà nước), chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản; Áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%)…

Tại cuộc họp với VNBA, đại diện các ngân hàng thống nhất mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm và cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đề nghị NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), bỏ đấu thầu lãi suất với kỳ hạn 91 ngày, nới tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi...

Các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN có chế tài, quy định để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất cho vay, tránh tình trạng giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí. NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu bắt đầu từ ngày 12/12, các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho NHNN.

Ngân hàng Nhà nước can thiệp, thanh khoản bớt căng thẳng?

NHNN khẳng định sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống để có điều kiện hạ nhiệt mặt bằng lãi suất. NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua công cụ OMO, cho vay tái cấp vốn, mua bán ngoại tệ hoán đổi.

Sáng 15/12, Sở Giao dịch NHNN bắt đầu công bố tỷ giá USD mua vào (23.450 đồng), bắt đầu mua ngoại tệ can thiệp. Động thái mua can thiệp tỷ giá trở lại của NHNN cho thấy thanh khoản thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng hơn.

Đồng USD đang đạt đỉnh khiến nhiều người dân chuyển từ găm giữ sang bán cho ngân hàng thương mại để chốt giá cao. Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ về dồi dào hơn dịp cuối năm (xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI...) cũng giúp một số ngân hàng bắt đầu dư thừa thanh khoản ngoại tệ.

Trên thị trường mở, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%; chào thầu 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 7.307,44 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, kỳ hạn 91 ngày trúng thầu với lãi suất 6,5%; có 11.614,09 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 9.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 5.693,25 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở.

Số liệu mới nhất NHNN thống kê, sau giai đoạn giảm tốc quý III, dòng tiền gửi của người dân chảy vào kênh ngân hàng đã tăng trở lại. Trong 10 tháng, tổng số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đã tăng ròng gần 360.000 tỷ.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm số dư tiền gửi khách hàng dân cư tại hệ thống ngân hàng tăng 6,78% là mức cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Trước đó, số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng chỉ tăng 3,08% trong 10 tháng đầu của năm 2021 và 5,95% trong cùng kỳ năm 2020.

“Có thể mất một thời gian ngắn, các ngân hàng mới triển khai được trên toàn bộ hệ thống kéo lãi suất huy động xuống. Khi NHNN thực hiện bơm vốn cho những nhà băng yếu thanh khoản thì không còn tình trạng chạy đua huy động hút vốn giữa các ngân hàng với nhau nữa. Vấn đề thanh khoản ngân hàng được giải quyết thì tự động lãi suất sẽ giảm”- TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) đánh giá.

Tính đến giữa tháng 12, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, nghĩa là còn khoảng 4% tăng trưởng tín dụng trong khoảng 2 tuần cuối năm 2022 và có thể kéo dài hết tháng 1 năm sau, tức thời điểm Tết Nguyên đán, tương ứng là khoảng gần 400.000 tỷ đồng. Số tiền được “bơm” vào nền kinh tế là khá lớn, lại tập trung trong thời điểm tháng cuối năm. Do đó, việc giải ngân vốn tín dụng đang được thúc đẩy.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Trương Tiến Dũng cho biết, một số DN phản ánh đã được vay với lãi suất hợp lý hơn, để chuẩn bị cho hàng hóa vào kỳ nghỉ Tết sắp đến, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng. DN muốn vay vốn cũng phải thỏa mãn điều kiện vì các tổ chức tín dụng không thể hạ chuẩn cho vay. “Vốn tín dụng không thiếu, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ cũng phải trả trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí” - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang khẳng định.

 

"Giảm lãi suất quan trọng nhất vẫn là giảm chi phí hoạt động của chính các ngân hàng, giảm lợi nhuận ngân hàng đặt ra, để có thể hạ lãi suất kể cả huy động và cho vay. Còn những ngân hàng nhỏ, ngân hàng nào khó khăn thanh khoản thì NHNN sẽ hỗ trợ bằng những giải phải khác và sẵn sàng xem xét từng trường hợp cụ thể của từng ngân hàng thương mại cụ thể." - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

"Quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP các ngân hàng gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán… của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định." - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn

"Về lâu dài, tỷ giá là yếu tố quan trọng để giữ mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng ổn định. Tỷ giá ổn định xong thì sẽ đến lãi suất, hai vấn đề liên thông với nhau. Khi tỷ giá đã ổn rồi thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn." - Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS Nguyễn Hồng Khanh