Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa làng nghề trở thành điểm nhấn phát triển công nghiệp văn hóa

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ có ý nghĩa lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội, làng nghề còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Đưa làng nghề trở thành điểm nhấn thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa là bài toán đặt ra đối với Hà Nội.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xung quanh câu chuyện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Khẳng định sức sống mãnh liệt

Hà Nội vẫn được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các làng nghề hiện nay trên địa bàn Hà Nội?

- Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5.400 làng nghề, làng có nghề. Trong đó, riêng tại Hà Nội, con số này vào khoảng 1.350 làng nghề, làng có nghề, chiếm khoảng 25% tổng số làng nghề của cả nước.

Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Không chỉ vậy, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của Hà Nội ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong định hướng phát triển các làng nghề trong bối cảnh hiện nay.

Thống kê cho thấy, các làng nghề tại Hà Nội đang mang lại doanh thu khoảng 24.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo ông, con số này đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô?

- Như tôi được biết, cách đây vài năm, doanh thu của các làng nghề Hà Nội chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay như chúng ta thấy, con số đó đã tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng. Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của các làng nghề tại Hà Nội. Dù vậy, cá nhân tôi cho rằng, con số trên vẫn chưa phải tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Vấn đề lớn nhất mà các làng nghề Hà Nội đang gặp phải hiện nay là gì, thưa ông?

- Giống như nhiều làng nghề khác của cả nước, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức để hướng đến sự phát triển bền vững. 3 vấn đề chính theo tôi là nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng và hạn chế trong khâu tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

 

Nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất của nhiều làng nghề. Dù vậy với đặc thù là Thủ đô, Hà Nội khó có thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Do đó, TP cần tăng cường liên kết với các tỉnh thành trên cả nước để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ổn định cho các làng nghề…

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến

Phần lớn việc sản xuất tại các làng nghề hiện nay còn mang tính thời vụ do nguồn nguyên liệu để phục vụ các công đoạn bị phụ thuộc nhiều các tỉnh, TP và đang dần bị thu hẹp. Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ngày một trầm trọng và là một trong những vấn đề đặt ra của hầu hết các làng nghề. Thêm vào đó, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm làng nghề nhìn chung còn đơn giản, chưa bắt mắt khiến việc tiếp cận thị trường quốc tế còn nhiều khó khăn.

Đã hội nhập, không thể… xuề xòa

Hà Nội định hướng đưa làng nghề trở thành điểm nhấn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương này?

- Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn của TP Hà Nội. Như đã đề cập, làng nghề không chỉ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, mà ở các làng nghề còn hàm chứa lượng lớn tri thức văn hóa, các giá trị truyền thống độc đáo, riêng có của Thủ đô, được vun đắp từ xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Sản phẩm làng nghề là thông điệp của nét văn hóa, lịch sử, con người của Thủ đô, mang tới cho công chúng tiêu dùng trong nước và quốc tế những hiểu biết, góc nhìn về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Làng nghề còn mang tính hội nhập, giao lưu văn hóa. Chính vì vậy, việc phát triển làng nghề trong định hướng công nghiệp văn hóa là một tầm nhìn phù hợp thời đại của TP Hà Nội.

Hà Nội cùng cả nước đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Làng nghề muốn tồn tại cũng cần phải thay đổi. Ông có khuyến nghị gì để các làng nghề tiếp tục phát triển trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay?

- Xã hội đã, đang thay đổi và làng nghề cũng không thể mãi đứng yên. Làng nghề cần “vận động”, thay đổi để thích ứng với những đổi thay trong thị hiếu tiêu dùng. Hội nhập rồi, không thể làm xuề xòa được.

Yếu tố văn hóa cũng cần được phát huy, không chỉ là việc thổi hồn vào những sản phẩm làng nghề để gia tăng giá trị, mà ngay kể cả cách làm cũng cần phải đi vào nền nếp, chuẩn chỉ để giữ chữ tín, giữ thương hiệu khi ra biển lớn.

Để làng nghề góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong thập kỷ tới, Hà Nội cần chú trọng triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

- Qua theo dõi, tôi nhận thấy Hà Nội rất quan tâm đến bảo tồn và phát triển làng nghề. Cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành tới đây hứa hẹn tạo động lực mới cho sự phát triển của các làng nghề.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách rồi, việc cần thiết là các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phải cùng vào cuộc, thay vì nghĩ đây là việc của Sở NN&PTNT hay của riêng một sở, ngành, địa phương nào. Bên cạnh đó, TP cần khai thác hiệu quả nguồn lực hiện có, nhất là về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, đội ngũ thợ giỏi, nghệ nhân rất quan trọng và nên được quan tâm nhiều hơn. TP Hà Nội hay bất cứ cấp bộ, ngành nào, khi phong tặng nghệ nhân, công nhận danh hiệu làng nghề thì đừng chỉ dừng ở việc tôn vinh. Thay vào đó, cần có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể và thiết thực hơn nữa nhằm khai thác giá trị của các nghệ nhân, của các làng nghề.

Xin cảm ơn ông!

 

Hà Nội cần đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây là định hướng phát triển kinh tế xanh được Chính phủ rất quan tâm và Hà Nội không thể bỏ qua trong quá trình phát triển mới của các làng nghề. Bên cạnh khuyến khích phát triển làng nghề, tôi cũng cho rằng Hà Nội cần xem xét, có biện pháp quyết liệt dừng hoặc cấm hoạt động đối với các làng nghề gây tác động xấu đến môi trường, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, giá trị cốt lõi…

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE)
TS Đặng Thị Kim Chi