Nghề độc nhất vô nhị ở Thủ đô
Nghề làm diều truyền thống của làng Bá Dương Nội gắn liền với lễ hội diều truyền thống được tổ chức vào Rằm tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lâu đời mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng gắn với phong tục thờ thần Châu Thổ.
Diều làng Bá Dương Nội là diều sáo truyền thống, không có đuôi. Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng riêng những người chơi diều cho rằng nguyên nhân là do địa thế làng Bá Dương Nội là vùng sông nước lại nằm giữa khu vực núi Tam Đảo và núi Ba Vì nên lộng gió, tháng Ba thường bắt đầu có gió Nam, hoặc gió Đông Nam. Đó cũng là điều kiện để nâng bổng cánh diều trong ngày hội.
3 loại cánh diều đặc biệt của làng Bá Dương Nội gồm diều cánh muỗm, diều cánh chanh và diều cánh mộc. Trong đó, diều cánh muỗm là loại cánh diều dài to, nhọn, hơi cong. Diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh. Diều cánh mộc là cánh rộng, đầu cánh tròn, loại diều này đèo ít sáo nhưng lại bay rất cao và điều khiển diều khó.
Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Mai cho biết, nghề làm diều truyền thống ở Bá Dương Nội đã có từ xa xưa, đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho tới chế tác. Trong đó, tre làm khung diều phải chọn loại tre đực già, mọc ở giữa bụi, gióng dài, dày và có độ dẻo cao, không có vết xước. Thời gian thu hoạch tre cho chất lượng tốt nhất là vào tháng 9, 10, phơi khô rồi gác bếp cho đanh lại.
Giấy làm diều xưa thường là giấy dó có tính năng nhẹ, xốp, giúp diều lên nhanh, bay cao. Những diều lớn thì giấy gió được bồi với vải màn. Keo dán diều được chế tạo từ quả cậy hoặc quả hồng xiêm non giã nhuyễn, hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, dùng làm chất kết dính dán giấy vào mép khung của chiếc diều. Giấy được dán hai lớp hai bên sống diều tạo thành áo diều.
Theo các nghệ nhân trong làng, yêu cầu của kỹ thuật phất giấy không quá căng, cũng không được quá chùng và phải cân đều hai cánh. Đồng thời các loại quả trên cũng được giã đạp, lấy nhựa làm sơn, quét lên lớp áo diều ba lượt, có tác dụng làm cho giấy cứng hơn, chống thấm nước và chống côn trùng. Lớp sơn này khô đi khiến áo diều chuyển thành màu nâu cánh gián.
Cánh diều truyền thống của làng Bá Dương Nội trước đây chỉ có một loại màu này. Ngày nay, giấy gió được thay bằng giấy xi măng, ni lông, áo diều có thể làm từ nhiều chất liệu phong phú và nhiều màu sắc hơn như vải dù, vải polyester, vải rip-stop chống thấm, vải mỏng, sợi ngang dọc chắc chắn, không ảnh hưởng khi trời mưa.
Công đoạn cuối cùng là làm dây diều. Dây thả diều có thể dài vài trăm mét đến vài nghìn mét. Diều lớn thì dây phải lớn, dài và chắc bền. Trước đây, dây diều thường dùng loại dây tre, chọn những cây tre cái, bánh tẻ có gióng dài thưa đốt, vót nắn nót thành hình lá hẹ. Ngày nay, dây thả diều được sử dụng phổ biến là dây gai xoắn, dây cước ni lông, dây dù hay các loại dây tổng hợp khác.
Ngoài kỹ thuật làm diều, người làng Bá Dương Nội còn có tài làm sáo diều với nhiều loại sáo như: sáo một, sáo đôi, sáo 7, sáo 12. Sáo thường được làm từ tre già, mặt sáo làm bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít.
Để làm sáo diều phải chọn những cây tre chết sóc (già đến độ đã chết đứng trong) lá vàng úa, vỏ ngả màu cánh gián với những sọc trắng ngà, óng ánh, thịt tre đỏ au song không bị nứt nẻ.
Một bộ sáo kêu hay là phải kêu rõ tiếng, tiếng kêu trong, vang và hồi nhịp, cảm giác như tạo ra một bản giao hưởng trên không, du dương, trầm bổng, tùy theo sự kết hợp của từng cặp sáo...
Nâng cao giá trị làng nghề
Theo thống kê, hiện ở Bá Dương Nội có 130 hộ làm diều. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2982/QĐ-UBND công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà là nghề truyền thống.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vừa được UBND TP Hà Nội công nhận là nghề truyền thống có ý nghĩa đặc biệt với địa phương. Đây là cơ sở để xã tập trung xây dựng làng nghề theo hướng bài bản, quy mô hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm, tới đây xã Hồng Hà sẽ xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm diều trên các nền tảng số, mạng xã hội, kênh thương mại điện tử. Đồng thời tổ chức các lớp dạy làm diều, nhất là dành cho thiếu nhi, qua đó giúp các em làm quen, tìm hiểu về nét đẹp nghề truyền thống của địa phương và bắt nhịp với nghề từ sớm.
Địa phương cũng gắn phát triển nghề diều với nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, hướng tới tạo được nguồn thu kinh tế từ nghề làm diều theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. “Chơi diều không chỉ là thú vui mà diều còn là sản phẩm văn hóa, mang lại nguồn thu cho địa phương” – Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Cùng với đó, xã Hồng Hà sẽ xây dựng, hình thành hệ sinh thái gắn nghề làm diều, lễ hội truyền thống với các di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm OCOP… tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Khách du lịch khi đến với Hồng Hà, ngoài được trải nghiệm làm diều truyền thống, còn được tìm hiểu và mua các sản phẩm về rượu, đậu phụ, các loại bánh như bánh gio, bánh gai… đây là những sản phẩm nổi tiếng của địa phương.
“Đặc biệt, xã cũng định hướng các hộ sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa ở các khâu như cung cấp nguyên liệu tre, sáo, dây diều, phụ kiện… để tạo thành một hệ sinh thái làng nghề đa dạng, chuyên nghiệp. Qua đó đưa nghề làm diều truyền thống của địa phương bay xa” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.
Trước đó, tháng 2/2024, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.