Đưa những thước phim đi cùng năm tháng đến với khán giả

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ VHTT&DL đã có quyết định phố biến nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam trên sóng truyền hình và đẩy mạnh công chiếu trên nền tảng số. Đây được xem là giải pháp để tuyên truyền, cổ động nhằm tạo tâm lý tích cực, giải tỏa tinh thần, cổ vũ tình nhân ái, giúp đỡ, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phổ biến phim trên truyền hình và nền tảng số

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ yêu cầu Cục Điện ảnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị phát sóng miễn phí một số bộ phim phục vụ các sự kiện, nhằm tăng cường, thúc đẩy các hoạt động phổ biến phim phục vụ rộng rãi công chúng trên sóng truyền hình trong nước và thế giới; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng chiếu phim trên nền tảng kỹ thuật số, cụ thể với các phim trong Đợt phim Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945- 19/8/2021) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2021…

Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc sáng tác các tác phẩm điện ảnh, thông tin tuyên truyền phù hợp trong tình hình dịch bệnh; phát huy tối đa vai trò của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh trong sáng tác, tuyên truyền, cổ động nhằm tạo tâm lý tích cực, giải tỏa tinh thần, cổ vũ tình nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, cộng đồng và toàn xã hội trong tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 Kênh Youtube của Viện Phim Việt Nam công chiếu những bộ phim kinh điển của điện ảnh trong nước. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo đó, nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình đạt giải thưởng Bông Sen Vàng tại các kỳ LHP Việt Nam sẽ được công chiếu. Trong đó có thể kể đến một số phim như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, LHP Việt Nam XIX- 2015, “Đừng đốt”, LHP Việt Nam XVI-2009; “Người cộng sự”, LHP Việt Nam XVIII- 2013; “Những người viết huyền thoại”, LHP Việt Nam XVIII- 2013. 5 Bông Sen Vàng phim Hoạt hình đề nghị phát sóng gồm: “Chuyện ông Gióng”, LHP Việt Nam lần II- 1973; “Dế mèn phiêu lưu ký”, LHP Việt Nam V- 1980; “Xe đạp”, LHP Việt Nam lần VIII- 2001; “Thỏ và Rùa”, LHP Việt Nam XVI- 2009; “Người anh hùng áo vải”, LHP Việt Nam XXI- 2019.

Không để phim lãng phí trong kho

Với mong muốn đẩy mạnh khai thác kho phim, đưa các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến với đông đảo công chúng, mới đây Viện Phim Việt Nam đã thử nghiệm đưa 9 phim Nhà nước đặt hàng lên kênh YouTube, gồm: “Nhà tiên tri”, “Nhìn ra biển cả”, “Đừng đốt”, “Mùa ổi”, “Mặt trận không tiếng súng”, “Dòng sông hoa trắng”, “Lương tâm bé bỏng”, “Cuộc đời của Yến” và “Chung cư”. Sau 2 - 3 tuần, các phim thu hút hàng nghìn lượt xem.

Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phim Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng: Viện đang lưu giữ hàng nghìn bản phim có giá trị của điện ảnh dân tộc qua các thời kỳ. Nếu chỉ để phim nằm trong kho sẽ không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc thành lập một kênh phổ biến phim về đề tài lịch sử, cách mạng, sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Nhận định về hướng đi mới này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong chia sẻ: Với đặc thù là phim về lịch sử cách mạng, tuyên truyền, giáo dục… hầu hết các tác phẩm phim Nhà nước đặt hàng từ trước đến nay không đạt hiệu quả cao về kinh tế, ngoại trừ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bởi vậy, Viện Phim Việt Nam tìm cách khai thác, phát huy giá trị các tác phẩm đặt hàng của Nhà nước từ trong kho phim để đưa lên mạng sẽ khắc phục được sự lãng phí khi các tác phẩm chỉ nằm im. "Nếu như Bộ VHTT&DL có một đơn vị đại diện chính thức để khai thác và đưa lên Youtube hoặc các nền tảng số khác những bộ phim đặt hàng một cách chính thống thì mục tiêu phát huy giá trị của những tác phẩm này sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Vấn đề cần quan tâm là sử dụng như thế nào? Những yếu tố nào cần lưu ý?" - ông Phong cho hay.

Viện Phim Việt Nam nên lưu ý tới những vấn đề nhằm đảm bảo hài hòa giữa việc cung cấp phim đến khán giả với quyền lợi của đơn vị sản xuất phim. Đồng thời, các tác phẩm đưa lên Youtube phải được sự thỏa thuận đồng ý của Bộ VHTT&DL mà Cục Điện ảnh làm đại diện chủ sở hữu đối với tác phẩm và đơn vị sản xuất.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, quan điểm của Bộ VHTT&DL là luôn ủng hộ việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa những tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng đến với đông đảo công chúng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc tận dụng các nền tảng trực tuyến để đưa những bộ phim về truyền thống lịch sử, cách mạng, giàu giá trị nhân văn đến với người xem là rất thiết thực, cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng lưu ý, thời đại công nghệ 4.0 phát triển, việc khai thác, quảng bá phim đến công chúng cần chú ý những vấn đề thuộc về bản quyền cùng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ có hướng dẫn để người dân tiếp cận nhiều hơn những bộ phim Việt Nam, đặc biệt là phim Nhà nước đặt hàng. Hiện tại, số lượng phim trong kho lưu trữ của Viện Phim rất nhiều về số lượng, đa dạng về nội dung, vì vậy không để phim lãng phí trong kho.