Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nông sản miền núi Quảng Ngãi về đồng bằng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 là cơ hội để nông sản vùng cao đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong hai ngày 24 - 25/9, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tại Trạm khách T50 (TP Quảng Ngãi).

Phiên chợ không chỉ bày bán các nông sản, đặc sản của người dân miền núi, mà còn là nơi để người dân và du khách trải nghiệm không gian mang đậm sắc màu văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Gian hàng của chị Phan Thị Quyến.
Gian hàng của chị Phan Thị Quyến.

Tham gia phiên chợ, chị Phan Thị Quyến, chủ hộ kinh doanh Tường Vy (ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) mang đến hơn 20 mặt hàng, gồm các loại nông sản, đặc sản của núi rừng Ba Tơ là thịt trâu khô, mật ong rừng, gạo lúa rẫy, rau rừng, mè đen, sả rừng tươi và khô...

“Phiên chợ là dịp để người dân miền núi quảng bá sản phẩm, từ đó có thêm nhiều khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, tôi chọn những sản phẩm đặc trưng nhất, chất lượng nhất để mang đến phiên chợ. Trong đó, sản phẩm thịt trâu khô Tường Vy đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”- chị Quyến cho biết.

Phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi lần này trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Nông sản miền núi được khách hàng rất ưa chuộng.
Nông sản miền núi được khách hàng rất ưa chuộng.

Hàng trăm sản phẩm hàng hóa là nông sản, thực phẩm, thảo dược đặc trưng của các huyện miền núi trong tỉnh được "hạ sơn", để đến gần hơn với người tiêu dùng. Trong số đó, có nhiều sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng và lựa chọn sử dụng như: gừng gió Trà Bồng, trâu khô Ba Tơ, măng vót Sơn Tây, dầu phụng Sơn Linh, chè xanh Minh Long, ớt xiêm Sơn Hà, mắm cá niên Sơn Hà, khổ qua rừng sấy khô, nấm linh chi thái lát, trà thảo mộc nấm linh chi, mật nhân sấy khô...

Chính thức phát triển được vùng trồng đậu phụng đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích khoảng 20ha trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Linh, ở xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà) mang đến phiên chợ lần này hơn 100 lít dầu phụng sạch.

Từ tháng 3 âm lịch đến nay, đơn vị đã bán ra thị trường hơn 1.000 lít dầu phụng thương phẩm.

"Dầu phụng của chúng tôi không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng ở Hà Nội, Hải Phòng... chào đón”- Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Linh Nguyễn Tuyên vui mừng chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, đây là lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh tổ chức phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Phiên chợ được tổ chức nhằm góp phần hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. 

Sản phẩm măng vót Sơn Tây dầm tỏi ớt đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Sản phẩm măng vót Sơn Tây dầm tỏi ớt đã được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là dịp để các chủ thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và gặp gỡ, hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. 

Tại phiên chợ, cán bộ, hội viên nông dân TP Quảng Ngãi còn tổ chức quyên góp hơn 12 triệu đồng để ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.