Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nông sản sạch đến bếp ăn

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã “tiếp sức” cho hội viên xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.

Từ đó, tạo ra các sản phẩm “sạch” cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này.
Đa dạng các mô hình
Không khó để chỉ ra các mô hình sản xuất, kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được các Hội phụ nữ duy trì. Từ “Tổ phụ nữ nấu cỗ phục vụ các sự kiện” (Quốc Oai), “Cung cấp thực phẩm sạch cho trường mầm non” (Ba Vì), “Quầy hàng an toàn” (Hai Bà Trưng), đến “Chi hội phụ nữ trồng rau sạch” (Thanh Trì), “Trồng rau mầm tại hộ gia đình” (Cầu Giấy), “mô hình rau an toàn” (Gia Lâm, Đông Anh); “sản xuất lúa chất lượng cao theo công nghệ sinh học” (Sóc Sơn), “Nuôi gà an toàn sinh học” (Mê Linh), “Hợp tác xã chăn nuôi lợn sinh học” (Phúc Thọ). Cùng với đó là các nhóm xung kích “Kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng”, sản xuất chè sạch…  

Hội viên phụ nữ xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) chăm sóc vườn rau sạch.  Ảnh: Trần Thảo

Không những cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn ra thị trường, cho nhiều nhà hàng, khách sạn và một số hệ thống siêu thị, các hội viên phụ nữ đã và đang từng bước cải thiện cuộc sống gia đình nhờ những mô hình sản xuất, kinh doanh này.
Những ngày giáp Tết, gia đình bà Nguyễn Thị Nho, một trong những hội viên của HTX chăn nuôi lợn sinh học ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) tất bật khi rất nhiều thương lái đến đặt mua gần 100 con lợn thịt đến ngày xuất chuồng. Bà Nho cho biết, thức ăn sinh học của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa hooc môn, thuốc kích thích, chất tạo nạc nên đàn lợn có tốc độ sinh trưởng ổn định, bình quân 25kg/tháng; chất lượng thịt ngon, thơm đặc trưng, an toàn với sức khỏe người sử dụng nên lợn sạch Thọ Lộc đang thu hút rất nhiều khách hàng trên toàn TP.
Để sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn tới tận tay người tiêu dùng trên địa bàn huyện Phúc Thọ và các huyện lân cận, Hội LHPN huyện và xã đang tiếp tục vận động các gia đình hội viên phụ nữ đầu tư chăn nuôi theo mô hình này để cung ứng nguồn thịt lợn an toàn cho thị trường.
Cầu nối liên kết
Với hơn 1 sào rau cải/vụ, mỗi lứa trồng trung bình từ 25 - 30 ngày, gia đình chị Nguyễn Thị An, hội viên phụ nữ xã Yên Viên, huyện Gia Lâm - một trong những gia đình tham gia sản xuất rau sạch VietGap, thu 5 - 6 triệu đồng/vụ. Nhờ Hội LHPN huyện mở lớp tập huấn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap nên nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Yên Viên đã đổi mới trong cách trồng rau. Khi thu hoạch, rau đạt chất lượng và năng suất cao, an toàn cho người tiêu dùng. “Trong quá trình trồng thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia đình đã dùng bẫy sinh học để diệt ruồi vàng đục quả, sâu xám...” - chị An cho biết thêm.
Đời sống của nhiều hội viên phụ nữ tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cũng ngày một khởi sắc nhờ mô hình trồng rau, củ, quả an toàn. Chị Nguyễn Thị Lan, xã Tiên Dương chia sẻ: Được sự hỗ trợ của các cấp Hội về vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, gia đình chị đã đầu tư làm nhà lưới theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Quá trình chăm sóc rau đều được các chị ghi chép hàng ngày, thực hiện đúng cam kết, đồng thời tham gia giám sát lẫn nhau. Hiện gia đình chị có 4 sào su hào, với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/vụ/sào. Cứ một năm quay vòng từ 4 - 5 vụ, gia đình chị thu lãi từ 45 - 50 triệu đồng/sào. Sau su hào, gia đình chị chuyển sang trồng dưa lê và bí xanh. “Được đầu tư làm nhà lưới như thế này sẽ hạn chế được tình trạng sâu bệnh cũng như ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất rau sẽ cao hơn. Sau khi thực hiện mô hình này, mong rằng sản phẩm rau của chúng tôi sẽ được kiểm định chất lượng rau sạch và có được thương hiệu để dễ dàng tiêu thụ” - chị Lan phấn khởi.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết cho biết, các cấp Hội đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên trồng cây sạch, nuôi con sạch. Các mô hình này được Hội định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. "Mô hình này không chỉ giúp các hội viên cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn giúp thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phù hợp với thời kỳ hội nhập. Hơn hết là sản xuất ra được những sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng" - bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Các sản phẩm đảm bảo yêu cầu sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để cạnh tranh thị trường, đồng thời Hội cũng làm đầu mối kết nối, liên kết các mô hình với nhau để giới thiệu và bao tiêu sản phẩm…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội  Nguyễn Thị Tuyết