Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa “Sữa Ba Vì” đến với người tiêu dùng

Diệu Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt, từ nguồn nước trong mát, thời tiết ôn hòa đến khí hậu trong lành, thuần khiết. Tận dụng ưu thế đó, dưới bàn tay lao động cần cù của người dân đã hình thành nên những cánh đồng cỏ xanh mướt với những đàn bò sữa khỏe mạnh, mang lại nguồn sữa dồi dào có hương vị thơm ngon mang tên “Sữa trắng Ba Vì”.

Công ty CP Sữa Ba Vì ký kết với Trung tâm Nghiên Cứu dê thỏ Sơn Tây.
Thủ phủ bò sữa
Hơn 80 năm trước, dựa trên tài liệu nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, các nhà khoa học Pháp đã khẳng định, Ba Vì là nơi phù hợp cho các giống bò sữa phát triển. Từ nền móng nghề chăn nuôi bò sữa do người Pháp để lại, vùng đất Ba Vì đã dần phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Khi hòa bình lập lại, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Nông trường Ba Vì từng là biểu tượng của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời điểm đó, Nông trường Ba Vì đã vang danh khắp cả nước về mô hình điểm chăn nuôi, làm nên tên tuổi của người chăn bò vĩ đại với hai lần được vinh danh danh hiệu Anh hùng Lao động - Anh hùng Hồ Giáo. Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, hiện nay, Nông trường Ba Vì đã được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì thuộc Viện Nghiên cứu chăn nuôi tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt và đồng cỏ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có khoảng 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa. Trong số đó nhiều hộ có tổng đàn bò từ 40 – 200 con, có nhiều nông trại chăn nuôi bò sữa hiện đại.

Từ những lợi thế sẵn có, huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy mô hình nuôi bò sữa, đưa nghề chăn nuôi bò sữa trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, 3 xã miền núi là Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh đã trở thành thủ phủ bò sữa của huyện Ba Vì. Ngoài ra, ở nhiều xã bò sữa cũng được các nông hộ phát triển như Minh Châu, Vạn Thắng, Phú Châu... Số liệu báo cáo năm 2018 của huyện Ba Vì cho thấy, đàn bò và sản phẩm sữa của huyện tăng trưởng mạnh. Theo đó, tổng đàn bò toàn huyện đạt hơn 8.000 con, năng suất sữa bình quân đạt 25,22kg/con/ngày, tổng sản lượng sữa hàng năm đạt gần 20.000 tấn.

Nghề chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì phát triển, ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp, một trong những điểm đáng chú ý là sự gắn kết giữa DN với người nông dân. Theo đó, bằng nhiều cách làm cụ thể, DN, hộ nông dân cùng đầu tư, chọn loại giống, cam kết tiêu thụ sản phẩm và cùng thụ hưởng lợi nhuận. Ngoài việc ký cam kết tiêu thụ sữa cho người dân, DN còn thực hiện hướng dẫn người chăn nuôi về kỹ thuật, con giống, đảm bảo từ đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Các khâu sản xuất từ nguồn nước, thức ăn đến thời gian cho bò ăn, thời gian vắt sữa, thu mua đưa vào nhà máy chế biến thành phẩm đều được quản lý một cách khoa học, chặt chẽ. Mỗi ngày, ngay sau hai ca vắt sữa bò vào sáng sớm hoặc chiều muộn, các hộ dân sẽ mang mẫu sữa tới trạm thu mua. Các mẫu sữa này được kiểm định chặt chẽ về thành phần và chất lượng tiêu chuẩn quan trọng như hàm lượng chất béo, chất khô, vi sinh, kháng sinh… Số sữa qua kiểm định đảm bảo chất lượng sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng xe chuyên dụng.

Hiện nay, Công ty CP Sữa Ba Vì đã và đang tăng cường hợp tác, đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại trong ứng dụng quản lý quy trình sản xuất khép kín, đồng bộ từ khâu nuôi trồng đến phân phối sản phẩm chế biến từ sữa đảm bảo sạch, an toàn, tươi ngon, bổ dưỡng. Theo đó, công ty luôn chú trọng việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, bằng cách trực tiếp đứng ra làm người bảo lãnh cho các hộ nông dân vay vốn không tính lãi, để mở rộng chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức, xây dựng hộ chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu, đảm bảo liên kết chăn nuôi bò sữa với giá cả hợp lý để nông dân có lợi. Hiện tại, Công ty CP Sữa Ba Vì đang thu mua sữa cho trên 200 hộ chăn nuôi, với sản lượng 20 tấn sữa mỗi ngày.
Một trại nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì.
Nâng cao chất lượng, thương hiệu “Sữa Ba Vì”

Nhờ ngày càng được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tiên tiến, các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì luôn tuân thủ, thực hiện đúng quy trình sản xuất chăn nuôi để cho ra các sản phẩm sữa sạch, an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, nhờ quản lý chặt từ khâu nuôi, chăm sóc, vắt sữa tới khâu chế biến nên chất lượng và nguồn sữa nguyên liệu của Ba Vì luôn ổn định. Giá thu mua sữa cũng luôn đạt mức cam kết, giúp các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Bò sữa được chăn nuôi trong môi trường thiết kế riêng biệt, thông thoáng, được nghe nhạc, gắn chíp điện tử báo về tổng hệ thống, đảm bảo theo dõi chặt chẽ về sức khỏe của từng con bò trong nông trại. Với công nghệ hiện đại này, chất lượng sữa được kiểm soát nghiêm ngặt tạo ra nguồn sữa tươi 100% tự nhiên, đạt chuẩn chất lượng.

Nhãn hiệu sữa Ba Vì do UBND huyện Ba Vì đứng tên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký vào ngày 20/1/2009. Đến nay, huyện mới chỉ cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì cho hai đơn vị là Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) và Công ty CP Sữa Ba Vì. Nhờ có được nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ đàn bò sữa Ba Vì, các công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ sản xuất sữa theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo việc thu mua, chế biến sữa đáp ứng các tiêu chuẩn đã công bố về chất lượng. Hiện các DN đang cung cấp ra thị trường trên 20 sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu sữa tinh khiết mang thương hiệu sữa Ba Vì phục vụ khách hàng.

Các sản phẩm được chế biến từ sữa Ba Vì có giá trị dinh dưỡng cao là nguồn cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng, các vitamin cần thiết, thích hợp cho mọi lứa tuổi, dễ bảo quản và sử dụng. Các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua dạng ăn, sữa chua dạng uống, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa các loại... đã có mặt tại các tỉnh, thành trong cả nước nhờ hệ thống đại lý do Công ty CP Sữa Ba Vì và Công ty Sữa quốc tế IDP triển khai. Ngoài ra, sản phẩm mang thương hiệu Sữa Ba Vì đã được đưa vào hệ thống bán hàng của Big C trên toàn quốc. Thương hiệu sữa Ba Vì đã trở thành sản phẩm quen thuộc, tin dùng của khách hàng ở nhiều địa phương.

Việc gắn kết giữa DN và người chăn nuôi trong tăng cường đầu tư hệ thống chăn nuôi ngày càng hiện đại đã góp phần đưa nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Ba Vì ngày càng phát triển. Với khả năng đảm bảo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng và sự kiểm soát chặt chẽ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu “Sữa Ba Vì” sẽ ngày càng trở thành sản phẩm ưa chuộng với người tiêu dùng trong và ngoài nước.