Phát biểu tại chương trình toạ đàm, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết, chương trình tọa đàm “Câu chuyện Hàng Trống xưa và nay” là một trong các hoạt động văn hóa mà UBND – BQL di tích phường Hàng Trống tổ chức cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các nghệ sỹ, chuyên gia, đặc biệt là nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên.
Hoạt động văn hóa này nhắm quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung, giá trị, vẻ đẹp của tranh dân gian Hàng Trống nói riêng tới cộng đồng, nhất là tới thế hệ trẻ hiện nay.
Ông Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh, sự kiện văn hóa này còn thú vị hơn khi được tổ chức trong không gian kiến trúc cổ truyền, ngôi nhà chung của cộng đồng, Đình Nam Hương, một di tích lịch sử văn hóa rất có giá trị của Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Có thể nói, tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian lâu đời nhất ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam, có thể coi đây là một di sản văn hóa nghệ thuật của người Việt.
Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nghệ thuật và theo dấu tích lịch sử thì phố Hàng Trống trước đây là nơi tập trung nhiều cửa hàng vẽ và bán tranh Hàng Trống.
Tranh Hàng Trống có hai nội dung chủ yếu: một là tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh, trang trí tại các đình, đền, miếu, phủ, điện thờ… Hai là phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.
Trải qua năm tháng, các biến cố lịch sử, tranh Hàng Trống dần mai một và có nguy cơ thất truyền trong đời sống đương đại hiện nay.
Nhằm góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến quay trở lại, gần hơn với cộng đồng, lãnh đạo chính quyền quận Hoàn Kiếm hết sức quan tâm chỉ đạo các ban ngành cùng vào cuộc, trong đó Phường Hàng Trống đã thực hiện nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị tranh dân gian Hàng Trống trong những năm gần đây.
Thứ nhất là hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Đình Nam Hương, Đền Phù Ủng. Tại đây, diễn ra nhiều hoạt động để các nghệ sỹ trẻ tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống, được trải nghiệm kỹ thuật vẽ tranh qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn cùng với nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Từ những hoạt động này, các tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống đã được các họa sỹ trẻ sáng tác và tổ chức triển lãm ngay chính tại Đình Nam Hương, Đền Phù Ủng.
Có thể kể đến các triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm Từ truyền thống đến truyền thống; Triển lãm Hổ dạo phố; Triển lãm Cõi tiên; Họa linh sắc Việt và hiện giờ là triển lãm tranh Hàng Trống xưa và nay, tổ chức tại không gian Đình Nam Hương. Tại đây, 10 tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống được làm bằng nghệ thuật họa kim sa đang được trưng bày để giới thiệu đến công chúng.
Tiếp đó, là hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với phát triển du lịch: Dưới sự gợi ý của chính quyền phường Hàng Trống, sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, chủ đầu tư dịch vụ khách sạn (L’HÔTEL du LAC Hanoi tại 35 -37 Hàng Trống) đã lấy cảm hứng chính từ những mảng màu rực rỡ và ý nghĩa văn hóa đẹp của tranh Hàng Trống để thiết kế lên không gian nội thất truyền thống kết hợp với hiện đại, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi lưu trú tại khách sạn này. Thông qua đó, du khách trong và ngoài nước ít nhiều đã biết sự tồn tại của một dòng tranh dân gian mang tên Hàng Trống.
Phát biểu tại chương trình toạ đàm, nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ, tranh Hàng Trống là món ăn tinh thần một thời của người Hà Nội, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Vẽ tranh Hàng Trống cực kỳ công phu, mất nhiều công sức, thời gian và phải qua nhiều công đoạn. Bởi vậy có thật yêu và đam mê mới làm được. Màu sắc được sử dụng rất điêu luyện, chỉ với 6 màu xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều, đen và trắng đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm.
Tranh Hàng Trống được vẽ theo nhiều chủ đề từ tranh thờ, tranh chơi tết cho đến tranh của các nhân vật trong truyện, tranh thế sự… nên họa tiết cũng rất phong phú.
Nét độc đáo của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác ở kỹ thuật cũng như sự giao thoa tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền. Tranh Hàng Trống là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày và thực sự phát triển cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, nhệ nhân, các cơ sở kinh doanh, du lịch phát biểu, gợi ý, bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục có nhiều hoạt động bảo tồn, khôi phục lại dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Nhiều ý kiến góp ý đến chính quyền các cấp cần quan tâm bố trí ngân sách hoặc kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, cá nhân, quỹ phát triển văn hóa… để tạo nguồn cho sự bảo tồn, khôi phục một cách lâu dài, bền vững...
Bên cạnh đó, cần gắn việc bảo tồn, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống với không gian di tích lịch sử - văn hóa đậm nét truyền thông Việt, Đình Nam Hương, ngôi đình nằm ngay trên phố Hàng Trống, nơi gắn với lịch sử hình thành dòng tranh này....
Tọa đàm “Câu chuyện Hàng Trống xưa và nay” nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa mang tên “Câu chuyện Hàng Trống xưa và nay” do Ban quản lý di tích phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm Họa gấm tổ chức.
Chuỗi sự kiện gồm: Triển lãm tranh họa kim sa trên nền nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống từ tối 26/1; talkshow và workshop “Câu chuyện Hàng Trống xưa và nay” từ 8h sáng ngày 18/2/2024. Chuỗi sự kiện nhằm cụ thể hóa hoạt động thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy TP Hà Nội, Chương trình 05 của Quận ủy Hoàn Kiếm về phát triển công nghiệp văn hóa và Kế hoạch khôi phục quảng bá dòng tranh dân gian Hàng Trống.