Đưa văn học Việt Nam hội nhập toàn cầu
Kinhtedothi – Trong dự thảo Đề án quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa thế giới, với lĩnh vực văn học, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy văn học như một công cụ để giáo dục, quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam, giúp độc giả quốc tế hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Nhiều tác phẩm đương đại bước ra thế giới
Văn học là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, nền văn học nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, nhiều tác phẩm văn học đương đại đã bước ra thế giới và đoạt giải thưởng. Đơn cử, năm 2017, thơ của tác giả Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển. Năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”; nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng của Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh bình chọn cho tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức) tại Frankfurt.

Đông đảo độc giả tham quan Hội sách Hà Nội 2024. Ảnh: BTC
Trong những năm gần đây, các tác giả Việt Nam tiếp tục đoạt giải thưởng Nhà văn ASEAN lần lượt vào các năm 2019 (Trần Quang Đạo, tác phẩm “Bay trong mơ”), 2020 (Võ Khắc Nghiêm, tác phẩm “Thị Lộ chính danh”), 2021 (Vĩnh Quyền, tác phẩm “Trong vô tận”). Năm 2021, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (với tác phẩm “The mountains sing”, tạm dịch – “Những ngọn núi ngân vang”) nhận Giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình.
Tháng 11/2024, hai nhà văn Việt Nam là Nguyễn Bình Phương với tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” và Nguyễn Một với tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đã vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN (S.E.A Write Award) năm 2022 - 2023...
Nhiều tác phẩm nổi bật của văn học nước nhà cũng được dịch ra tiếng nước ngoài. Trong đó tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch và giới thiệu ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Riêng “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra tiếng Anh (8 bản dịch), Bengali (4 bản), Nhật (4 bản), Czech (4 bản), Tây Ban Nha (3 bản), Pháp (2 bản), Đức (2 bản), Bồ Đào Nha (2 bản), Hàn Quốc (2 bản)... “Truyện Kiều” đã được dịch ra 20 ngôn ngữ, với 75 bản dịch, ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất là tiếng Anh (18 bản), tiếp đó là tiếng Pháp (12 bản), tiếng Trung (11 bản), tiếng Nhật (5 bản), tiếng Nga (3 bản)…
Hiện nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang đứng đầu danh sách các tác giả có nhiều sách được chuyển ngữ và phát hành tại thị trường quốc tế. Trong đó tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” phát hành tại Việt Nam năm 2018, chỉ hai năm sau đã được Nhà xuất bản Hannacroix Creek Books mua tác quyền để xuất bản và phát hành tại Mỹ. Hiện sách cũng có bán trên trang Amazon và nhận về phản hồi tích cực từ bạn đọc đa quốc gia.
Không chỉ dịch sang tiếng Anh, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn được thị trường châu Á yêu thích nên nhiều bản sách chuyển ngữ đã được triển khai trong gần 20 năm qua. Năm 2004, “Mắt biếc” phát hành bản tiếng Nhật, trong khi “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được mua bản quyền và phát hành bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Thái (năm 2011), tiếng Hàn (năm 2013), tiếng Anh (năm 2014) và tiếng Nhật (năm 2020)…
Ở góc độ ngược lại, rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển của thế giới đã được dịch sang tiếng Việt, cho phép độc giả Việt tiếp cận với các ý tưởng và câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới. Các tác phẩm như "Chiến tranh và hòa bình" của Leo Tolstoy, "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell, hay "Harry Potter" của J.K. Rowling đã được dịch và phát hành rộng rãi tại Việt Nam...
Không để “nhập siêu” văn học
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song theo nhận định của Bộ VHTT&DL, vấn đề đưa văn học Việt Nam hội nhập vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Bộ VHTT&DL đánh giá, việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay việc giới thiệu, quảng bá và xúc tiến phát triển văn học chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tổ chức với các tác giả dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa phản ánh đúng toàn diện văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ở nước ngoài.

Gian giới thiệu sách của Nhà Xuất bản Kim Đồng tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: Cục Xuất bản, In và Phát hành
Bên cạnh đó, hoạt động dịch, phổ biến các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng, có hiện tượng “nhập siêu văn học”. Hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam ngược lại sách văn học Việt Nam xuất hiện còn khá khiêm tốn trên thị trường sách thế giới, chưa tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam. Theo Hội Nhà văn Việt Nam, chất lượng dịch các tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của độc giả. Nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy nhiều các tác phẩm văn học dịch có chất lượng tại Việt Nam.
Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” được coi là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập để Việt Nam bước vào Kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường. Với lĩnh vực văn học, dự thảo Đề án quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa thế giới đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể đưa văn học Việt Nam hội nhập và tỏa sáng.
Trong đó tổ chức dịch, giới thiệu, xuất bản tác phẩm văn học, văn hóa, lịch sử Việt Nam có giá trị tư tưởng nghệ thuật, giá trị khoa học cao và các chuyên san, ấn phẩm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Đồng thời tổ chức các sự kiện văn học quốc tế tại Việt Nam, tạo cơ hội để giới thiệu văn học Việt Nam đồng thời học hỏi các xu hướng văn học toàn cầu.
Cùng với đó, giới thiệu sách, văn học Việt Nam tại các sự kiện văn học, hội chợ sách quốc tế như Hội chợ sách Frankfurt (Đức), Hội chợ sách quốc tế Guadalajara (Mexico), Hội sách London, Hội sách Madrid, Hội sách quốc tế Bắc Kinh, Hội sách Quốc tế Sharjah (UAE)…
Đặc biệt, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội để phân phối và quảng bá văn học Việt Nam. Các ứng dụng đọc sách trực tuyến có thể giúp tác phẩm Việt Nam tiếp cận độc giả quốc tế một cách dễ dàng hơn. Bộ VHTT&D xác định, thúc đẩy văn học như một công cụ để giáo dục và quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam, giúp độc giả quốc tế hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới là một vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ cấp thiết trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, ưu tiên các tác phẩm phản ánh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, gương người tốt, việc tốt…; xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo, xuất bản, biểu diễn nhằm khuyến khích tác giả, nhất là lực lượng trẻ.
“Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sáng tác, truyền thông và lan tỏa tác phẩm văn học nghệ thuật. Xây dựng không gian sáng tạo văn hóa số, đưa văn học nghệ thuật vào môi trường mạng một cách hấp dẫn, hiện đại để tiếp cận giới trẻ và mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế” – NSND Nguyễn Xuân Bắc nói.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, ngày nay khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học cũng đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Văn học không chỉ ghi lại những biến động của đời sống mà còn góp phần định hình tư tưởng, bồi đắp nhân cách và xây dựng bản sắc văn hóa của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.

Hơn 600 tác phẩm dự thi sáng tác Văn học Nghệ thuật Hà Nam 2025
Kinhtedothi - Sáng 20/6, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật năm 2025, với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện các hội chuyên ngành Trung ương và gần 200 văn nghệ sĩ.

Bảo tàng Văn học Việt Nam tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật từ nhà thơ Lê Thị Mây
Kinhtedothi – Thông tin từ Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà thơ Lê Thị Mây đã trao tặng trọn vẹn khối tư liệu, hiện vật và sách của mình cho Bảo tàng, từ bản thảo đánh máy đầu tiên, những tác phẩm gắn bó cả đời người, cho đến tủ sách cá nhân.

Vinh danh 30 sáng tác văn học, nghệ thuật tiêu biểu về nghề báo
Kinhtedothi - Tối 16/6, Tạp chí Người Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết, trao giải và công diễn Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”.