Đức lên án Quốc hội Mỹ hối thúc áp trừng phạt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban về Quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho rằng kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt của Washington đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 là một cuộc tấn công vào chủ quyền của EU.

Tuyên bố được Ủy ban về Quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức đưa ra ngày 10/12 nêu rõ, về mặt pháp lý, Liên minh châu Âu (EU) đã đáp ứng tất cả các điều kiện và có tất cả các giấy phép cần thiết để thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Đức lên án Quốc hội Mỹ hối thúc áp trừng phạt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Tuyên bố nêu rõ: "Kế hoạch thực thi lệnh trừng phạt nếu được chính quyền Washington áp đặt đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là một cuộc tấn công vào chủ quyền của EU và là tín hiệu bất lợi cho các hiệp định Paris nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.
"Nếu chính quyền Tổng thổng Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy Phương Bắc 2, nó sẽ là một cuộc tấn công trực tiếp vào chủ quyền của EU và cản trở những nỗ lực của Paris nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine” -Chủ tịch Ủy ban về Quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức, ông Oliver Hermes cho hay.
Theo tuyên bố trên, các lệnh trừng phạt của Quốc hội Mỹ đưa ra đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 "một lần nữa được thực hiện mà không có sự tham khảo ý kiến của các quốc gia EU ​​và đi ngược lại lợi ích của các đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu". Những hành động như vậy làm tổn hại đến hình ảnh của Mỹ tại châu Âu” - các nhà công nghiệp Đức nói.
Trước đó, hôm 9/12, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đưa các lệnh trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” vào dự luật ngân sách quốc phòng năm 2020.
Hồi cuối tháng 11, hãng tin Defense News cho biết Mỹ đã lên kế hoạch ngăn chặn việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga bằng việc thông qua dự luật về quốc phòng năm 2020.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” dự kiến đặt hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức. Tuyến đường ống này cũng sẽ đi qua lãnh hải hoặc khu vực đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Ukraine đang tích cực phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vì lo ngại mất nguồn thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và một số nước châu Âu, bao gồm Ba Lan, Latvia, Litva, cũng như Mỹ - nước đang thúc đẩy việc bán khí đốt hóa lỏng sang EU.
Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn mang tính chất thương mại và cạnh tranh, cũng như khẳng định dự án sẽ không chấm dứt việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến các nước EU.