Đây là bước đi nằm trong kế hoạch mở rộng không gian văn hóa công đồng để phục vụ người dân. Để dự án thành công, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần lắng nghe ý kiến của người dân, có những sáng kiến sát với thực tế, không vì lợi ích cá nhân mà quên đi quyền lợi của số đông.
Ý tưởng sáng tạo
Ngày 20/4, cơ quan chức năng đã triển khai thí điểm mở ô vòm đá số 93 đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Theo Ban quản lý phố cổ (đại diện chủ đầu tư cho UBND quận Hoàn Kiếm), vòm 93 là vòm đầu tiên trong số 127 vòm cầu sẽ được đục thông, tạo ra 3.600m2 không gian văn hóa, dịch vụ khu vực phố cổ. Vòm cầu sau khi đục thông có thể được sử dụng để làm không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thương mại, văn phòng và văn hóa cộng đồng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, khi thí điểm thành công vòm cầu số 93, chủ đầu tư sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các vòm cầu tiếp theo. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đoạn vòm cầu được thí điểm “mở vòm” là đoạn phố Gầm Cầu từ phía phố Hàng Cót sang phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm). Hiện tại đoạn phố đang là nơi kinh doanh của các hộ dân với những mặt hàng giầy dép và cửa hàng ăn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Đánh giá về việc triển khai đục thông vòm cầu, mở không gian văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng rất sáng tạo của TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm. Dự án không chỉ đem lại không gian kiến trúc đa dạng, sinh động, khai thác giá trị cảnh quan đô thị một cách hiệu quả, đem lại cơ hội sinh kế cho nhiều cư dân tại chỗ mà còn tạo ra không gian sinh hoạt giải trí, nghỉ dưỡng cho cư dân đô thị ngay trong lòng Thủ đô mà không phải chờ công viên ngàn tỷ trong bản vẽ, ở các địa phương khác
Giải quyết lợi ích của dân
Cư dân sinh sống xung quanh khu vực triển khai dự án đục thông vòm cầu đều hy vọng bước tiếp theo, Hà Nội có một quy chế khai thác rõ ràng, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội: Đây là một không gian đô thị quý và có mục đính đem lại thịnh vượng, hạnh phúc chung cho cư dân tại chỗ cũng như cả cộng đồng cư dân TP, du khách gần xa.
Tuy nhiên, khi nảy sinh cơ hội sinh kế mới thì cũng không tránh khỏi những xung đột lợi ích. KTS Trần Huy Ánh cho rằng: “Kết quả sự thương lượng lợi ích giữa các bên sẽ thể hiện năng lực quản trị xã hội của các cấp quản lý, làm thế nào để các bên cùng có lợi trong môi trường thân thiện, an toàn, vệ sinh. Đưa ra mô hình quản lý tốt thì thể hiện đẳng cấp quản trị cao, còn làm dở thì đây sẽ trở thành tụ điểm phức tạp”.
Mặt khác, các kiến trúc sư cũng cho rằng chỉ đục vài vòm cầu, thêm vài cửa hàng nhỏ trong vòm cầu sẽ không có sự thay đổi lớn mà cần một phương án có tầm nhìn hơn. Đó có thể là hệ thống các không gian văn hóa có sự liên kết như: Phố Nghệ thuật - Lễ hội từ Phùng Hưng đến Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân, Hàng Đường quay về Hàng Mã, Hàng Vải kết lại ở Phùng Hưng… nhưng kèm theo đó phải là cả một chuỗi các hoạt động tổ chức giao thông động và tĩnh; cơ giới - phi cơ giới; ngày và đêm, ngày thường và ngày lễ, và còn hệ thống chiếu sáng.