Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng 5 lít bia giải độc rượu và thư xin lỗi "chữa cháy" vụ xe công đón người nhà

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần trước ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến Bộ Giao thông vận tải, tuần này đến lượt Bộ Công Thương gây sự chú ý với bức thư xin lỗi của Bộ trưởng và những "chi phí gầm bàn" cản trở DN.

 Toàn cảnh phiên họp thứ 30. Ảnh Quochoi.vn
Thường Vụ Quốc hội họp phiên thứ 30
Sáng 10/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 30.
Phiên họp chỉ diễn ra trong 1 ngày để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định về 3 nội dung: Ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã thuộc huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Tại Phiên họp, 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành Tờ trình của Chánh án TANDTC việc cử ông Đào Việt Trung - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Uỷ viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, thay ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã nghỉ hưu từ 1/10/2018.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân. Ảnh: TTXVN
Các bộ, ngành tổng kết năm 2018, phát động phong trào thi đua năm 2019 
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020; năm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh sẽ được triển khai thực hiện sâu rộng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn toàn quân nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt lưu ý, phải tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng ngày, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
"Dân vận mà làm cho dân tin là phải làm cho dân ấm no và hạnh phúc. Ấm no của người dân, an toàn của người dân, quyền lợi của con người, quyền công dân theo Hiến pháp được bảo vệ. Anh nói dân làm chủ, làm cho dân tin nhưng làm cho dân nghèo đi thì dân khó tin anh.

Anh nói công tác dân vận chung chung mà để dân đói, rét, Tết này thiếu cơm lạt muối, vùng thiên tai không được quan tâm, vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số khó khăn không được giải quyết thì làm sao dân tin được".
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu công tác dân vận cần tiếp tục phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Trong đó, tập trung quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong giải quyết mong muốn, nguyện vọng, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp đông người kéo dài.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.
Mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đất nước phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, vì vậy công tác dân vận chính quyền phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các cấp chính quyền phải tập trung thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ
Trong tuần, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018, phát động phong trào thi đua 2019.
 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ Công Thương đứng đầu về "chi phí gầm bàn"
Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018.
Theo đó, trong năm 2018, các DN cho biết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành có chi phí ngoài quy định cao. Bộ Công Thương với tỷ lệ 50,9% số DN cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34% DN cho biết phải chi phí ngoài quy định trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Đứng vị trí thấp hơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 16%, Bộ Thông tin và Truyền thông với 17,45% DN phải chi phí ngoài quy định khi chịu kiểm tra chuyên ngành.
Phản hồi báo cáo trên, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) thừa nhận vẫn còn tồn tại hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
"Mặc dù chỉ có 108 DN trên tổng số 3.061 DN được hỏi (chiếm 3,5%) cho biết phải trả chi phí ngoài cho các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhưng đây vẫn là hiện tượng không thể chấp nhận và Bộ Công Thương cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới", đại diện Vụ Khoa học công nghệ cho biết và thông tin thêm: "Rất tiếc là Báo cáo khảo sát của VCCI không cho biết DN phải trả chi phí này cho cơ quan nào, cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hay cho các cơ quan thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (như hải quan, các tổ chức giám định, đánh giá sự phù hợp...)".
 Thủ xin lỗi của Bộ trưởng đăng trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin lỗi Nhân dân
Tuần trước đó, một số thông tin phản ánh trên chuyến bay chiều 4/1 từ TP Hồ Chí Minh đi Nội Bài, có xe biển xanh của Bộ Công Thương vào khu vực hạn chế tại sân bay, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà lãnh đạo.
Liên quan đến vụ việc, 4 ngay sau (8/1), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi với nội dung: "Liên quan đến sự việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe của Bộ vào đón người trong gia đình tôi ở khu vực sân bay Nội Bài ngày 4/1, do đang phải nằm điều trị tích cực tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai theo yêu cầu của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương nên hôm nay tôi mới có thể chính thức phản hồi.
Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này.
Thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông, cho phép tôi và gia đình được gửi lời xin lỗi tới toàn thể quý vị hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019. Đặc biệt, tôi xin gửi lời xin lỗi đến Nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương.
Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương.
Tôi đã báo cáo với các cấp lãnh đạo cấp trên. Đồng thời, tôi sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để bảo đảm không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai".
 Bệnh nhân ngộ độc rượu

Dùng 5 lít bia giải độc rượu
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao việc bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị sử dụng bia để hỗ trợ lọc máu giải độc rượu cho bệnh nhân.
Theo đó, ngày 25/12/2018, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng hôn mê, nguy kịch sau khi uống rượu cùng bạn ở tiệc mừng Giáng sinh. Bệnh nhân Nhật được xác định ngộ độc methanol với hàm lượng vượt gấp 10 lần cho phép. Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã truyền 15 lon bia, tương đương 5 lít bia vào dạ dày bệnh nhân. Đến ngày 9/1, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và xuất viện.
Lý giải về vụ việc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại BV này cho biết, rượu có hai loại cơ bản là etylic (enthanol) và metylic (methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa etylic trước, sau đó đến metylic. Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng metylic được chuyển hóa thành andehit formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Trong khi đó, bia có etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa metylic, các bác sĩ đã truyền bia cho bệnh nhân vào dạ dày. Khi truyền bia cho bệnh nhân, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa etylic, ngưng chuyển hóa metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, metylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Trước tình trạng bệnh nhân ngộ độc Methanol, rượu giả tăng lên mỗi năm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, nếu đã ngộ độc ethanol có trong rượu, bia mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.
 Ảnh minh họa
Không đưa tiền 10.000 đồng mới vào lưu thông dịp Tết
Trong tuần, ông Phạm Bảo Lâm - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) cho biết, sau 5 năm NHNN thực hiện chủ trương không đưa tiền nhỏ lẻ mới in từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông vào dịp Tết Nguyên đán (từ năm 2013) đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Nhận thức của một bộ phận dân cư đã thay đổi, văn hóa sử dụng tiền lẻ trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng được nâng cao; lao động xã hội và lao động ngành ngân hàng trong các khâu đổi tiền (vận chuyển, bảo quản, kiểm đếm,…) đã giảm bớt, qua đó giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng tiền Việt Nam được giữ gìn.
Mặc dù vậy, thông thường vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới in mệnh giá nhỏ của người dân vẫn rất lớn cho những nhu cầu không xuất phát từ nhu cầu thanh toán như mừng tuổi, lễ hội, đền chùa…, đã làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội liên quan đến tích lũy, đổi tiền hưởng chênh lệch phí rất cao mà thời gian qua báo chí đã phản ánh.
Để hạn chế những tiêu cực và tiết giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa các loại tiền mới in 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông như các năm trước đây, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện không đưa ra loại tiền 10.000 đồng mới in.
Tuy nhiên, các loại tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống đã qua sử dụng đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn tiếp tục được cung ứng bình thường, đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
“Với chủ trương này trong năm 2019, dự kiến sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 390 tỷ đồng, nâng tổng số tiền tiết kiệm được do không phát hành tiền nhỏ lẻ mới in trong dịp Tết từ năm 2013 đến nay lên gần 2.590 tỷ đồng”, ông Phạm Bảo Lâm nói.
Việc khởi tố ông Đoàn Ánh Sáng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của BIDV
Khởi tố nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng
Ngày 10/1, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục khởi tố các bị can trong vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số Chi nhánh thuộc BIDV.
Theo đó, ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với: Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Liên quan đến vụ viêc, BIDV khẳng định, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Ánh Sáng - cán bộ BIDV, nguyên là Phó Tổng Giám đốc BIDV không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Chi nhánh Thăng Long, Chi nhánh Hà Thành và toàn hệ thống BIDV.