Tuy trên danh nghĩa, ông Obama đến Campuchia để tham dự các hội nghị cấp cao thường niên của khu vực mà Mỹ tham gia, nhưng chuyến đi này cũng đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới Campuchia, Myanmar. Đây cũng là lần đầu tiên ông Obama tới thăm Thái Lan trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Thông điệp từ thời điểm, bối cảnh và đích đến của chuyến thăm này là Mỹ thực sự coi trọng quan hệ với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ động và thực tế trong việc triển khai thực hiện sự điều chỉnh chiến lược đối với khu vực. Chuyến đi này còn là sự tái khẳng định của ông Obama là ưu tiên chiến lược đó không thay đổi trong nhiệm kỳ cầm quyền tới.
Nếu cần biểu tượng làm thông điệp cho chuyến đi này thì không có gì thích hợp và đầy đủ hơn bằng chuyến thăm của ông Obama ở Myanmar. Tiến trình cải cách chính trị ở Myanmar vẫn đang diễn ra, được khởi xướng cách đây không lâu và hiện chưa thể nói đã tiến triển đến mức không còn có thể bị đảo ngược. Vậy mà cũng chỉ trong thời gian ngắn đó, Mỹ đã thay đổi rất cơ bản và gần như hoàn toàn chính sách đối với đất nước này. Đương nhiên, Mỹ theo đuổi những ý đồ và mục tiêu dân chủ nhân quyền ở Myanmar. Nhưng cách tiếp cận ở đây là dùng sự can dự chủ động để trực tiếp tác động vào diễn biến tình hình, gây dựng và thực hiện lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài. Rõ ràng, tiêu chí mà Mỹ đề ra trong chiến lược đối với cả khu vực không phải đối tác khi xưa như thế nào mà hiện tại ở đó ra sao và trong tương lai có lợi như thế nào đối với Mỹ.
Myanmar, Đông Nam Á và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa nhiều đối tác. Trong cuộc chơi mới ấy, Mỹ đang tập hợp lực lượng theo nhiều cách khác nhau và với nhiều cấp độ khác nhau. Chính sách đối ngoại không đóng vai trò lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Mỹ. Nhưng sau khi tái cử, ông Obama lại có thể tận dụng chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ cầm quyền tới để hậu thuẫn cho những biện pháp chính sách đối nội.