Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng chỉ chăm chăm tăng thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính vừa công khai 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên sẽ thuộc đối tượng bị đánh thuế tài sản.

Dù mới đưa ra lấy ý kiến nhưng vài ngày qua đề xuất này đã nhận được hàng loạt phản đối của người dân, DN và các chuyên gia vì thiếu cả cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức thấp nhất ngân sách có thể thu được từ thuế tài sản nếu dự thảo luật này được thông qua là 22.700 tỷ đồng và mức cao nhất là 31.000 tỷ đồng, tương đương tăng từ 1.200% - 1.700% so với mức 1.800 tỷ đồng hiện nay.

 Đánh thuế cao sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản. Ảnh Thanh Hải

Như vậy, mục đích của việc mở rộng cơ sở thuế này là để tăng thu ngân sách. Nhưng có vẻ như Bộ chỉ mải tăng thu mà quên mất việc nghĩ đến quyền lợi của người dân. Hiện, để sở hữu một mảnh đất, một ngôi nhà hay một căn hộ chung cư, người dân đã phải gánh khá nhiều loại thuế, phí và lệ phí như phí trước bạ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm) và một số loại thuế phí khác. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua sẽ tác động rất lớn đến giấc mơ an cư của nhiều người. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật này gồm việc, có bao nhiêu gia đình sẽ chịu ảnh hưởng, vấn đề an sinh xã hội bị tác động như thế nào…, thay vì chỉ chăm chăm nghĩ đến việc... tăng thuế.

Về mặt pháp luật, giới chuyên gia cho rằng, ở nhiều nước phát triển, luật này không mới. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương đánh thuế tài sản, nhiều nước đã phải bỏ ra không ít thời gian để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định để hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời. Với nước ta, cơ sở dữ liệu này không đầy đủ, không đồng bộ trên phạm vi cả nước. Nếu nhà đất không có giấy chứng nhận, không có giấy phép xây dựng mà thu thuế thì có vô tình hợp pháp hóa cho vi phạm? Vấn đề này phải được làm rõ giữa nghĩa vụ của người quản lý, sử dụng tài sản với việc Nhà nước công nhận quyền tài sản cho người dân.

Không chỉ thuế tài sản mà thời gian qua, một loạt đề xuất tăng thuế theo kiểu dễ nhất là thu thuế đại trà, bổ đầu một số lượng lớn người dân, DN bất kể giàu nghèo thay vì tăng thu đúng đối tượng, người thu nhập cao, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội như các nước khác đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Trong khi đó, câu chuyện thất thu ở một số loại hình kinh doanh mới như Grab, Uber…, việc chống chuyển giá với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất khó khăn thì Bộ Tài chính vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả. Tăng thu là cần thiết để đảm bảo chi tiêu ngân sách công. Tuy nhiên, tăng thu như cách mà Bộ Tài chính đang làm, chỉ nghĩ đến việc chọn giải pháp nào dễ thu nhất thay vì chống thất thu, đón đầu các lĩnh vực kinh doanh mới để có chính sách phù hợp, không chạy theo sau lại ít được quan tâm. Nếu chưa khắc phục được những điều này thì mỗi lần một dự thảo luật thuế mới đưa ra rất khó nhận được sự đồng tình của đại bộ phận người dân.