Đụng đâu “tắc” đó ​trong hạn chế phòng cháy, chữa cháy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt những hạn chế trong việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP Hà Nội đã được chỉ ra trong kết luận chính thức đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.

Nhìn từ thực tế, khó có thể an lòng, bởi ý thức của chủ đầu tư, chính quyền một số nơi và chính người sử dụng chưa coi PCCC là “việc của mình”.

Khởi động 5 phút, nước chữa cháy không “qua ngọn cỏ”

“Tại nhiều công trình nhà cao tầng ở các khu chung cư không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và điều kiện cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ” - đó là hạn chế đầu tiên được Ban Pháp chế HĐND TP nhấn mạnh. Tại các nơi Đoàn giám sát trực tiếp như Khu tái định cư Nam Trung Yên, Mễ Trì 2, nhiều tòa nhà không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, đặc biệt, các máy bơm phục vụ PCCC hỏng lâu năm cũng không sửa chữa; cầu thang bộ không đảm bảo an toàn cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố…
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND TP kiểm tra bể nước PCCC tại Khu đô thị Xa La .
Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND TP kiểm tra bể nước PCCC tại Khu đô thị Xa La .
Khi đoàn đi kiểm tra thực tế tại một số tòa nhà thì “đụng đâu tắc đó”, hệ thống phát hiện và báo cháy tự động bằng khói không hoạt động, hộp lăn vòi chữa cháy chốt hỏng nên không mở ra được, chuông báo cháy (ấn nút) cũng không kêu vì thiếu nguồn điện, trung tâm báo cháy bị lỗi. Khi đoàn khởi động hệ thống báo cháy theo quy định trong vòng 3 phút nhưng sau gần 5 phút, nước chữa cháy chảy ra không “qua ngọn cỏ”. Các thành viên Đoàn giám sát lo ngại, nếu xảy ra sự cố vào ban đêm thì không thể tưởng tượng sẽ như thế nào.

Tại tòa nhà chung cư Xa La, nếu tòa CT6 - A do mới được đưa vào sử dụng, cơ bản có hệ thống báo cháy tự động, các máy bơm vận hành đảm bảo áp lực..., thì tại các tòa nhà cũ hơn như CT2 - A lại rất đáng lo ngại khi thiết bị thiếu nhiều. Đoàn giám sát chỉ ra một thực trạng khác đáng lo ngại khi các tòa nhà này không có giải pháp ngăn cháy lan, chưa cách ly khu vực kỹ thuật với hầm chứa xe… (đây là một trong những nguyên nhân được xác định dẫn đến xảy ra vụ cháy ở tòa nhà CT4).

Công tác PCCC tại các chợ lại còn đáng ngại hơn nữa với hàng loạt bất cập, vi phạm chậm được khắc phục. Theo kết luận của Đoàn giám sát, nhiều chợ hạng I đã đưa vào hoạt động từ lâu nhưng không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC. Như tại chợ Hôm – Đức Viên, nếu xảy ra cháy, “giải pháp” báo cháy được Ban quản lý chợ cho biết sẽ thực hiện bằng hô miệng (?) và không mấy lo lắng về điều đó.

Tại Khu công nghiệp Quang Minh, chưa trang bị đủ phương tiện chữa cháy theo quy định; nguồn nước tại chỗ không đủ nếu xảy ra cháy lớn, trong bối cảnh các DN xếp hàng trong kho không tuân thủ điều kiện phòng cháy nên tại đây nguy cơ tiềm ẩn cháy lan, cháy lớn vẫn rất cao.

Đơn vị nào cũng thông báo với Đoàn giám sát là thành lập đầy đủ các đội PCCC tại cơ sở. Nhưng Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam chỉ rõ: Nhiều đội PCCC ở cơ sở hoạt động còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đầu tư trang thiết bị và tập huấn nghiệp vụ nên kỹ năng chữa cháy còn nhiều hạn chế…

Những kiến nghị

Nguyên nhân của những hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra rất nhiều, nhưng điều đáng nói đến chính là ý thức chấp hành pháp luật về PCCC ở cơ sở chưa tốt; thiếu nghiêm túc trong việc khắc phục các tồn tại, hạn chế dù đã được lực lượng PCCC kiểm tra, kiến nghị. Tính đến 30/10/2015, trên địa bàn hiện còn có 745 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC, trong đó một phần rất lớn đã đưa vào sử dụng. Tỷ lệ DN tại các khu công nghiệp được nghiệm thu về PCCC cũng chưa đến 50%. Cùng với đó, chính quyền cơ sở một số nơi cũng buông lỏng, coi việc PCCC là của Cảnh sát PC&CC...

Mục đích đặt ra là sau cuộc giám sát phải đem lại chuyển biến thực sự, không phải để “nói xong rồi gác lại”. Bởi thế, Đoàn giám sát đưa ra hàng loạt kiến nghị thẳng thắn với UBND TP, trong đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà phải rà soát tổng thể, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay hư hỏng của hệ thống PCCC khu tái định cư; Sở Xây dựng không cấp phép đầu tư các dự án mới với chủ đầu tư công trình có nhiều sai phạm trong PCCC, đã được yêu cầu khắc phục nhưng không chấp hành; Cảnh sát PC&CC nghiên cứu đề xuất việc công khai danh sách các đơn vị vi phạm nghiêm trọng…
Khi nhận xét về công tác PCCC tại các khu tái định cư, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam phải thốt lên: Các tòa nhà này ở trong tình trạng 3 không: không báo cháy tự động; không có hệ thống chữa cháy tự động, chữa cháy vách tường nước chảy như tưới cây; không đảm bảo được cứu hộ khi xảy ra cháy. Nếu để xảy ra cháy đúng là thảm họa với nhà tái định cư. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần