Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng đẩy cái khó cho người dân

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, hàng loạt chủ phương tiện “sốc” trước việc bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt khi tham gia giao thông không mang theo giấy tờ gốc.

Mặc dù cơ quan CSGT và phía ngân hàng đã lên tiếng giải thích là thực hiện đúng quy định, nhưng thực tế này đã và đang gây khó khăn cho nhiều người, đặc biệt với những trường hợp mua xe trả góp, hoặc DN thế chấp xe vào ngân hàng để vay vốn.

Cụ thể, theo Công văn số 2916/C67-P9 ngày 31/5 của Cục CSGT, Bộ Công an, việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác. Đồng thời, lực lượng chức năng không chấp nhận việc dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng (đây là quy định vốn có từ lâu) để thay thế giấy tờ gốc. Mặt khác, ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước cũng ra Văn bản số 3851/NHNN/PC gửi các tổ chức tín dụng, khẳng định bên thế chấp (người vay tiền ngân hàng) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

Giải thích thêm về vấn đề này, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, việc tiến hành xử phạt các trường hợp điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ gốc là hoàn toàn đúng quy định của Nghị định 46. Tuy nhiên, các ngân hàng lại cho rằng, nếu các tổ chức tín dụng không giữ giấy tờ xe (bởi khoản vay mua xe có thể lên tới 70% giá trị xe), thì không khác nào cho vay tín chấp, khi khách hàng không trả được nợ hoặc cố tình chây ì sẽ rất khó xử lý. Từ đó, các ngân hàng khi làm hợp đồng thế chấp đã vận dụng Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 để lập biên bản thỏa thuận nhằm hợp thức hóa việc giữ lại bản gốc giấy tờ tài sản cầm cố. Và theo nhiều luật sư, Nghị định 11 (sửa đổi Nghị định 163) về giao dịch đảm bảo không phải là Luật (dưới Luật) nên về nguyên tắc phải áp dụng Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015, tức là các ngân hàng có quyền giữ lại giấy tờ gốc tài sản cầm cố.

Từ thực tế này có thể khẳng định có sự “chồng chéo” giữa một số quy định tại Nghị định 46 và Nghị định 11, đặc biệt là Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Và nếu vấn đề này không sớm được giải quyết, thì trong “cuộc chiến” giữa các tổ chức tín dụng và phía lực lượng CSGT, chỉ có người dân – bên thế chấp tài sản là chịu thiệt. Do đó, thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên sửa đổi các quy định theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng được giữ lại Giấy chứng nhận đăng ký xe; hoặc xem xét cho phép người điều khiển phương tiện sử dụng giấy tờ xe có công chứng, chứng nhận của ngân hàng trong thời gian hợp đồng thế chấp còn hiệu lực… để đảm bảo lợi ích giữa các bên, tránh tình trạng “được việc mình, hỏng việc người”, đẩy cái khó cho người dân, DN.