Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để chi phí giá điện mập mờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Tài chính bỏ một số nội dung trong dự thảo Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn, tuy nhiên, câu chuyện minh bạch giá điện và trách nhiệm của những người làm chính sách vẫn đặt ra bức thiết.

Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của EVN gồm 4 chương, 48 điều, theo đó, các khoản chi có tính chất phúc lợi trực tiếp như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo, những khoản chi có tính chất phúc lợi khác... sẽ được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN. Dự thảo quy chế cũng liệt kê 19 chi phí được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của EVN, gồm: Chi phí nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ lao động, khấu hao, sửa chữa, tiền lương, bảo hiểm xã hội... Các khoản chi trong khung này sẽ được trừ vào doanh thu để tính lợi nhuận, tiền thuế và đóng góp vào ngân sách của Tập đoàn.

Đây không phải là lần đầu tiên, giá điện phải “còng lưng” gánh các chi phí không hợp lý. Trước đó, năm 2013, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra những vi phạm của EVN trong việc đưa những chi phí quản lý vận hành, nhà ở biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp có bể bơi… vào giá điện. Sau đó, ngày 9/12/2013, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo về ý kiến của Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát các khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện, trong đó có 6 dự án nêu trong kết luận thanh tra để có hướng xử lý.

Lần này, mặc dù ngay sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo, EVN đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính bỏ nội dung trên nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, cần phải minh bạch, công khai các chi phí cấu thành giá điện để người dân không còn phải “gánh” những chi phí mập mờ, vô lý. “Cá nhân tôi cho rằng, các chi phí giá điện phải minh bạch. EVN tại sao lại không công khai các khoản chi phí để mọi người cùng tham khảo”– ông Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài chính cần có chính sách bình đẳng, công khai, minh bạch: “Nếu Bộ Tài chính đặc cách cho EVN là không bình đẳng và không nên".