“Tôi là người Hà Nội đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và đã chứng kiến đại dịch Covid-19 đến với TP Hồ Chí Minh như thế nào” - những dòng trạng thái của một chủ tài khoản facebook đang được cộng đồng chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua.
Chủ tài khoản này viết: “Từ lúc Hà Nội và Bắc Giang nhen nhóm bùng dịch, tôi vẫn hàng ngày đi làm, vẫn đạp xe và tâm sự với ông bạn người nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã trải qua lần 3 áp dụng Chỉ thị 16, 16+, 15, mà dường như chưa thấy đỉnh dịch. Chung cư tôi sống có 500 căn hộ với khoảng 2.000 dân là một trong số ít chung cư ở quận 7 giữ vững vùng xanh nhưng tuần qua đã “gục ngã” với gần 30 ca nhiễm trong vài ngày, bằng con số của riêng Hà Nội trong một ngày.
Mấy hôm nay, tôi liên tục nhận được tin chia sẻ từ những người bạn có người thân đã ra đi vì Covid-19. Một nỗi buồn man mác. Biến chủng Delta thật nguy hiểm, là biến thể đáng quan ngại. Virus không chừa một ai.
Tôi thấy Hà Nội về cơ bản rút kinh nghiệm từ TP Hồ Chí Minh và quyết liệt hơn nhiều TP Hồ Chí Minh giai đoạn đầu, nhưng đâu đó vẫn thấy “bóng dáng vết xe” mà TP Hồ Chí Minh đã đi qua”.
Lời khuyên của chủ tài khoản này dành cho người dân Hà Nội là:
Nếu chúng ta làm việc được ở nhà thì đừng ra đường, trừ những trường hợp hết sức cần thiết hoặc những người hoạt động trong ngành nghề thiết yếu. Mỗi người hãy đừng đi, chạy lo các loại giấy tờ mà tự đặt mình vào rủi ro lây nhiễm khi phải tiếp xúc từ cơ quan công quyền, các chốt kiểm dịch, người trong công ty. Bạn sẽ thấy công việc có thể không hiệu quả bằng giải quyết trực tiếp nhưng cũng không quá tệ, trong khi bạn không tốn thời gian đi lại.
Nếu người dân đi chợ online được thì cố gắng hạn chế đi siêu thị, nhất là khi chuẩn bị phong tỏa. Vì lúc đó, người dân chưa chắc mua được đồ ngon mà lại làm gia tăng rủi ro tiếp xúc, nhất là môi trường siêu thị kín rất thuận lợi cho biến chủng Delta lây lan. Bữa cơm thiếu một chút cũng chẳng sao, chúng ta sẽ tự điều chỉnh thói quen ăn uống cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, với một số người, các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện cung cấp lương thực thực phẩm là vô cùng quan trọng trong lúc này.
Đây là những dòng chia sẻ của một người đã đi qua đợt dịch thứ 4 ở TP Hồ Chí Minh và đã thấy TP Hồ Chí Minh “ngấm đòn” ra sao khi người dân không ý thức. Tôi hy vọng mỗi người dân cùng đồng lòng chung tay để đẩy lùi đại dịch.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, những ngày qua, chủ tài khoản facebook có tên T.H. cũng đã chia sẻ những dòng trạng thái thể hiện nỗi buồn, lo lắng, xót xa nghe tin ở TP mình đang sống, một đồng nghiệp trẻ vừa chia xa, rồi câu chuyện 3 người lớn trong 1 gia đình tử vong vì Covid-19, chỉ còn lại 2 đứa trẻ tội nghiệp. Thắt lòng có những ca nhiễm gọi khắp nơi cầu cứu nhưng chưa được nhập viện, rồi những câu hỏi đặt ra, liệu có quá tải F0…
Từ những câu chuyện buồn ấy, chủ tài khoản T.H chia sẻ, kêu gọi người dân đừng khó chịu với những thủ tục giấy tờ mà chính quyền nơi mình đang sống đặt ra để hạn chế việc đi lại lúc này. “Vì nếu gặp tình cảnh như TP chúng tôi bây giờ, bạn mới thấy tiếc nuối, thấy giá như…” – chủ tài khoản T.H. chia sẻ.
Ngoài ra, một người có tên trên Facebook L.D.A. cũng bày tỏ những nỗi niềm sau:
Theo thống kê, tính từ ngày 10/7 đến tối ngày 10/8, 4.033 người đã tử vong vì Covid-19. Thật đáng buồn, khi bệnh viện còn đó những người nhiễm Covid-19. Giờ đây, trong mỗi người chỉ có một suy nghĩ duy nhất, giá mà, biết thế, giá như….
Vì vậy, tất cả chúng ta hãy ở yên trong nhà, tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Nhà nước, chính quyền địa phương, bớt chút quyền lợi cá nhân và ngưng ca thán vì chút gò bó hiện tại.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều người đều cảm thấy lo lắng khi những ngày qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có hiện tượng người dân nườm nượp kéo ra đường dù đang trong thời gian giãn cách xã hội. Ở nhiều ngã tư, hàng trăm người, xe đỗ sát nhau chờ đèn xanh. Khi bị chặn lại ở các chốt kiểm soát, mỗi người nêu đủ lý do. Ai cũng cho rằng lý do của mình là chính đáng, rất cần thiết ngay cả khi lý do đó không được lực lượng chức năng chấp nhận. Nhiều người cố gắng trình bày, lý luận, năn nỉ với cán bộ trực chốt để được qua.
Một số ý kiến cho rằng, đây là một kẽ hở trong việc giám sát, đảm bảo tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Thời điểm này, thêm một người ra đường là thêm nguy cơ cho việc lan truyền, bùng phát. Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kết quả 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo có ý nghĩa quan trọng hơn, quyết định hơn. Nếu ra đường khi không thật sự cần thiết trong giai đoạn này, mỗi chúng ta đang biến sự hy sinh của chính mình và cộng đồng những ngày trước đó trở thành bọt biển, có thể khiến cho dịch bệnh lây lan không kiểm soát được nữa.
Việc chống Covid-19 đang thực sự là cuộc chiến sinh tử, mà trong mọi cuộc chiến, đòi hỏi về tính kỷ luật luôn vô cùng khắt khe. Vậy nên, mỗi người dân hãy tuân thủ nghiêm Chỉ thị của Chính phủ, TP, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường