Đừng để hỗ trợ treo

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20% DN đã phải dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu chi và 2% DN đã giải thể, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch… Đó là kết quả khảo sát lần thứ ba do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính triển khai vừa gửi lên Thủ tướng sau khi thực hiện với gần 400 DN và 15 hiệp hội. Chính vì thế mọi sự hỗ trợ từ chính sách đến vốn vay, khuyến khích đầu tư… đều rất quan trọng với sự sống còn của nhiều DN hiện nay.

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Chiến Công
Trước những khó khăn của DN trước những diễn biến của dịch Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lần một với giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng, cùng những chính sách ưu đãi về vay vốn, mặt bằng sản xuất... Gói hỗ trợ này được cộng đồng đánh giá như chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu lao động, người dân cũng như DN gặp khó khăn do bệnh dịch. Tuy nhiên, đến nay gói hỗ trợ này mới chỉ có hơn 12.500 tỷ đồng đến tay người cần hỗ trợ. Trong khi đó, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2020 mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mới chỉ có 1 DN đủ điều kiện vay vốn theo gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Mặc dù DN này sau đó đã tự cân đối thu chi, không tiếp tục thực hiện các thủ tục vay vốn nhưng qua đây có thể thấy không ít những tồn tại nhiều bất cập, khiến nhiều người dân, DN không mặn mà với việc nhận hỗ trợ, còn nhiều DN rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Trong khi gói hỗ trợ cũ vẫn sắp hết hạn, một gói hỗ trợ thứ hai đã được đề xuất triển khai. Song gói thứ hai chưa thấy đâu, DN đang phải chuẩn bị cho tình huống trống thúc nợ đòi. Không lo sao được khi theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế có thể thực hiện ngay cưỡng chế hóa đơn từ ngày nợ thuế thứ 91 nếu như trong tài khoản của DN tại ngân hàng không có tiền để thực hiện biện pháp cưỡng chế tài khoản. Khi bị cưỡng chế hóa đơn cũng đồng nghĩa DN không thể duy trì hoạt động. Chính vì thế điều quan trọng lúc này không chỉ là gói hỗ trợ thứ hai mà là việcBộ Tài chính cần trình Chính phủ cho kéo dài thời gian chậm nộp thuế đến ngày 31/12, với cả khoản thuế đã gia hạn trước đó và khoản thuế của quý 3, quý 4 và sau đó đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giãn thuế đến tháng 6/2021.

Khi "làn sóng" covid-19 bùng phát trở lại, nền kinh tế Việt Nam vốn đang bị tác động nghiêm trọng vì đợt dịch trước chưa kịp hồi phục đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đợt một, bao gồm cả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, được cho là "chưa đủ ngấm". Hiệu quả trên thực tế chỉ ở mức độ vừa phải, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Cứu DN, như bốc thuốc, phải đúng liều và kịp thời. Còn chần chừ triển khai chính sách hỗ trợ DN, sẽ có hậu quả, như trước mắt là chất lên vai DN gánh lo, đã đến hạn trả nợ thuế... Bởi vậy, vấn đề ở gói hỗ trợ lần hai này là cần đủ lớn và đủ mạnh, đúng trọng tâm, trọng điểm, cần nhanh và quyết liệt.