Đừng để người lớn làm “gương xấu” cho trẻ

Nguyễn Thị Trang - Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, nói đến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, mọi người thường chỉ bàn về nạn kẹt xe, về sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông trước sức ép tăng trưởng quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ có thể thấy, một trong những “thủ phạm” gây ra nạn tắc đường là ý thức của các bậc phụ huynh khi đưa đón con đi học và tình trạng kẹt xe tại các cổng trường, đặc biệt là trường tiểu học.
Nỗi lòng phụ huynh

Tôi cũng là một phụ huynh nên bản thân đã trải nghiệm và hiểu khá rõ về vấn đề này. Con gái tôi hiện đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân. Thời gian đầu, cứ mỗi lần đón cháu đi học về, mẹ con tôi phải mất gần 30 phút để tìm thấy nhau ở khu vực cổng trường. Con phố Nguyễn Quý Đức, nơi trường con tôi theo học có chiều rộng rất hạn chế. Cứ mỗi khi giờ tan học, gần như cả một đoạn dài trước khu vực cổng trường đều ken đặc người và xe. Hầu hết trong số đó là những phụ huynh đến đón con. Mọi người đứng tràn hết dưới lòng đường khiến các phương tiện khác qua lại gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có hôm, tình trạng tắc đường kéo dài suốt cả một đoạn đường dài hàng trăm mét. Không chỉ riêng ở đây, nhiều bạn bè, đồng nghiệp tôi đều than phiền về tình trạng tắc đường tại cổng trường nơi con họ theo học. Có người còn nói rằng, mỗi lần đưa đón con chẳng khác nào một cực hình.

Phụ huynh đón con trước cổng trường Tiểu học Yên Hòa. Ảnh: Phạm Hùng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên phải kể tới là việc đưa đón con đi học của các bậc phụ huynh là điều rất khó tránh, đặc biệt ở các TP lớn. Do các cháu tuổi còn nhỏ, không thể tự đi xe buýt đến trường, càng không thể tự đi xe cá nhân của mình khi lên lớp. Đường phố vừa đông xe, vừa chật chội, để các cháu tự đi học sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Nhưng vấn đề ở chỗ, các trường tiểu học chủ yếu nằm trong các con phố nhỏ hoặc trong ngõ, diện tích mặt đường vốn đã chật, khu vực cổng các trường học cũng không rộng là bao trong khi mỗi buổi tan trường có hàng trăm phụ huynh đứng đợi con.

Hệ quả của tình trạng ùn tắc này không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không tốt về mặt ý thức, tư tưởng chấp hành luật giao thông cho các cháu về sau. Chỉ cần dẫn chứng một việc đơn giản: Muốn nhanh chóng thoát khỏi điểm ùn tắc, nhiều phụ huynh, người nhà học sinh thường chọn cách luồn lách, chạy xe lên vỉa hè, chen lấn nhau với mục tiêu đi càng nhanh càng tốt. Thường xuyên chứng kiến cảnh đó, các cháu hoàn toàn có thể hình thành ý thức cho rằng những hành vi giao thông không đúng đó là bình thường bởi chính những người lớn cũng làm như vậy. Sau này, khi lớn lên, ai dám đảm bảo các cháu sẽ không lặp lại cách tham gia giao thông như phụ huynh mình?

Cùng vào cuộc

Sở GD&ĐT TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 1062/KH-SGD&ĐT ngày 14/3/2016, đề nghị các trường phải phối hợp với các ban ngành có liên quan của địa phương, triển khai các giải pháp đồng bộ để phòng chống ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm, nhất là các trường gần đường giao thông có mật độ dân cư cao. Đặc biệt, trong văn bản có quy định các phụ huynh học sinh không được tụ tập trước khu vực cổng trường. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi những quy định đó ra đời đến nay, tình hình vẫn không được cải thiện là bao.

Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạn ùn tắc ở các cổng trường học vào giờ tan học là các trường trong quá trình thiết kế, xây dựng chưa phân khu đưa, đón học sinh hợp lý, vị trí ra vào cổng được đấu nối trực tiếp vào làn đường chính. Ngoài ra, tại một thời điểm đưa, đón học sinh, có nhiều loại hình tham gia giao thông trong một khu vực; một số học sinh chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tham gia giao thông dẫn đến không xử lý được các tình huống có nguy cơ mất ATGT trong môi trường giao thông hỗn hợp… Theo ông Nguyễn Văn Thạch, để giải quyết tình trạng trên cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương trong việc cắt cử cán bộ, nhân viên bảo vệ nhà trường tham gia điều phối giao thông trong trường học và ngoài cổng trường vào các giờ cao điểm. Về phía nhà trường cũng có thể xây dựng hệ thống đưa đón học sinh đến trường bằng xe khách hoặc xe buýt để các phụ huynh yên tâm, không cần tự tay đưa đón con, em đi học nữa.
Theo Nghị định 46 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trẻ từ 6 tuổi trở lên đã phải đội mũ bảo hiểm và phải đội đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy cùng cha mẹ. Nếu không tuân thủ đúng, cha mẹ sẽ phải nộp tiền phạt từ 100.000 - 200.000 đồng vì lỗi này. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các cổng trường ở Hà Nội, rất nhiều phụ huynh vẫn vô tư để con, em mình “đầu trần” ngồi trên xe máy khi di chuyển. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần