Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để người tiêu dùng... im lặng

Bài, ảnh: Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng, giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (HBVQLNTD) quá phức tạp nên đa phần NTD “im lặng” khi bị xâm phạm quyền lợi. Điều đó cho thấy các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD không nên mang tính lý thuyết mà phải sát thực tế.

Im lặng vì chưa tin tưởng

Theo kết quả khảo sát nhận thức của NTD về bảo vệ quyền lợi của mình do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa công bố: Thực phẩm, nước giải khát là nhóm hàng hóa chiếm tỷ lệ vi phạm quyền lợi NTD lên đến 19,69%; đồ điện tử gia dụng: 13,05%; hàng hóa tiêu dùng thường ngày: 12,88%. Ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh) cho rằng, điều này thể hiện đúng thực trạng vi phạm quyền lợi NTD hiện nay. Mặc dù số lượng NTD tham gia khảo sát đã từng bị xâm phạm quyền lợi khá lớn nhưng có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc. Đáng chú ý, tỷ lệ người đánh giá “chưa tốt” về công tác giải quyết khiếu nại NTD tại các cơ quan quản lý Nhà nước lên tới 42,77%.
 Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hàng nhập lậu, không đảm bảo ATTP tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoài Nam
Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hàng nhập lậu, không đảm bảo ATTP tại huyện Gia Lâm.     Ảnh: Hoài Nam
Lý giải vấn đề này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, do người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm. Bên cạnh đó, do quy trình, thủ tục giải quyết phức tạp, rườm rà nhưng NTD không nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cán bộ chuyên trách (21%); Thẩm quyền trong giải quyết vụ việc tranh chấp NTD còn hạn chế (19%)
Theo Hội BVQLNTD, các khoản đền bù thiệt hại cho NTD không nên nộp thẳng vào ngân sách mà cần phải được trả lại cho NTD thông qua các tổ chức đại diện cho họ trong quá trình đứng ra bảo vệ quyền lợi…
… Vai trò của Hội BVQLNTD cũng khá mờ nhạt khi chỉ có 26,73% đánh giá “Tốt” trong khi 52,53% đánh giá chưa tốt, thậm chí 20,73% số người tham gia khảo sát không biết có một tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình. “Chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền quá phức tạp… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền” - ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận.

Không thể thiếu vai trò của hội chuyên ngành

Để ngăn chặn hiện tượng vi phạm quyền lợi NTD, thời gian tới bên cạnh việc đầy mạnh phổ biến Luật BVQLNTD cũng cần tăng cường xây dựng chính sách, pháp luật liên quan; Củng cố  hệ thống Hội  BVQLNTD; NTD cũng cần hỗ trợ các kỹ năng giải quyết tranh chấp đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh… Bên cạnh đó là việc tăng cường thanh tra, xử lý các cá nhân, đơn vị, DN vi phạm.

 Đề xuất về giải pháp bảo vệ quyền lợi NTD, bà Phạm Quế Anh - thành viên Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nêu rõ: Cục Quản lý cạnh tranh và Hội BVQLNTD cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các vụ việc khiếu nại đã được giải quyết, qua đó giúp NTD tăng lòng tin vào cơ quan quản lý cũng như vào trách nhiệm và vai trò của Hội BVQLNTD. Bên cạnh đó, cần áp dụng quy trình tiên tiến khi giải quyết khiếu nại qua đó những người nghèo, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận.

Song song với sự vào cuộc tích cực của Hội BVQLNTD đòi hỏi cơ quan quản lý đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, về lâu dài cần nâng cao ý thức đòi hỏi về sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa của chính mỗi NTD khi mua hàng và sử dụng dịch vụ.