Dù các cấp, ngành đã và đang triển khai nhiều phương án để phòng chống thiên tai, thế nhưng những diễn biến bất thường của thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu vẫn là nỗi bất an của không ít người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng.
Nếu nói về nắng nóng thì năm nay, rõ ràng đã xác lập nhiều kỷ lục kể từ đầu mùa Hè, gây hạn hán ở nhiều địa phương. Đợt nóng từ ngày 15 - 22/5, đã ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ tại một số nơi trên 40 độ C như Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Giang và Hà Nội.
Ngay sau đó, Bắc Bộ tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài 14 ngày từ 30/5 - 12/6, là đợt nóng dài nhất tại miền Bắc trong vòng 27 năm qua. Đáng nói, tại Hà Nội, số ngày nắng nóng trong tháng 6 cũng lên đến 26 ngày - kéo dài nhất trong chuỗi số liệu lịch sử kể từ năm 1971 đến nay. Nỗi lo hạn hán chưa nguôi thì người dân lại tiếp tục đón nhận những cảnh báo về lũ lụt, giông lốc trên diện rộng, không chỉ khu vực miền núi phía Bắc mà còn cả Tây Nguyên và Nam Bộ và Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực để chuẩn bị ứng phó khẩn cấp với bão lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan tổng kiểm tra vật tư, lực lượng, máy móc, thiết bị để luôn sẵn sàng, không bất ngờ khi thiên tai xảy ra.
Tiếp đó, Bộ NN&PTNN cũng vừa ban hành Công văn yêu cầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư; tham mưu đưa nội dung phòng chống thiên tai vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp… Song thực tế cho thấy, sự nổi giận của thiên nhiên là rất khó lường. Ngay cả những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai.
Thiệt hại lớn về kinh tế là một chuyện nhưng thiệt hại về con người còn đau xót gấp nhiều lần. Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên quốc gia về biến đổi khí hậu đã khẳng định, biến đổi khí hậu gây ra tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt/nóng, bão, lũ lụt, hạn hán… Đặc biệt, ở Việt Nam, trong thời gian qua cũng xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật; nhiều bệnh có diễn biến phức tạp và bất thường hơn (sốt xuất huyết), gây ra những thiệt hại đáng kể.
Thiên tai là quy luật tự nhiên, “nhân tai” là tai họa do con người gây ra. Đến khi nào con người còn thô bạo, thiếu tôn trọng với thiên nhiên: Chặt phá rừng, sử dụng hóa chất như thuốc sâu, thuốc trừ cỏ thiếu khoa học; khai thác tài nguyên bừa bãi; xả rác vô tội vạ… thì đến lúc đó, thiên tai vẫn còn giáng xuống trừng phạt con người.
Bởi vậy, ngoài công tác phòng ngừa thiên tai, xin hãy dừng lại những hành động phá hoại môi trường, đừng trở thành “nhân tai” gây thiên tai. Có như vậy mới mong cân bằng sinh thái, phát triển bền vững và hóa giải giải được nỗi bất an về thiên tai dịch họa.