Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để sốc vì giá điện

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước phản ứng gay gắt của dư luận và người dân, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - đơn vị xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đã có đề xuất rút phương án một giá và tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi biểu giá điện 5 bậc thang cho phù hợp hơn. Điều này được ghi nhận là cần thiết.

Vấn đề xây dựng lại biểu giá bán điện trong đó đưa ra giá điện bình quân (1 bậc) đã được Bộ Công Thương đề cập đến trước đây với mong muốn người dùng nhiều điện phải thanh toán nhiều, dùng ít thanh toán ít. Việc sử dụng một mức giá sẽ dễ tính và dễ thực hiện. Tuy nhiên, phương án điện một giá chỉ áp dụng khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, có công cụ và pháp lý, bảo đảm vai trò Nhà nước với an sinh xã hội, với người còn khó khăn. Khi đó mới đủ cơ sở thực hiện cơ chế điện một giá này.
Rút đề xuất phương án bán điện một giá, song với việc tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi biểu giá điện 5 bậc thang cho phù hợp hơn vấn phải đáp ứng những yêu cầu bất di bất dịch từ người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện phải hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu người dân trong đời sống, sinh hoạt, phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, DN và Nhân dân, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh điện, cụ thể ở đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam có mức lãi hợp lý. Biểu giá bán điện sửa đổi cần có nhưng phương án hợp lý, không gây sốc cho người tiêu dùng. Tính đúng, tính đủ giá thành điện song cũng cần giảm bù chéo trong các biểu giá và phải bảo đảm an sinh xã hội.
Với những nguyên tắc này, việc đưa ra những phương án biểu giá mới như đã đề cập ở trên vẫn đang có những điểm cần khắc phục, đó là mặc dù đã có cải tiến nhưng đã không bảo đảm được giá bình quân.
Theo đó, tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt biểu giá điện bình quân của 4 bậc là 1.864,44 đồng/kWh, đi kèm là biểu giá điện sinh hoạt bậc thang là 2.018 đồng/kWh, chỉ cao hơn giá bán lẻ điện bình quân chung của 4 biểu giá là 8% (2.018/1.864,44 đồng). Đây là mức giá đã bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lãi cho ngành điện. Trong khi lần này, Bộ Công Thương xây dựng 3 biểu giá điện đều cao hơn biểu giá điện bình quân của 4 bậc, từ 11 - 17%. Nếu cứ giữ phương án này sẽ làm tăng giá bình quân. Cùng với đó khoảng cách giữa các bậc trong biểu giá mới chênh lệch chưa hợp lý.
Đơn cử ở phương án 1, khoảng cách giữa bậc 3 và bậc 2 là 33%, trong khi đó, phương án cũ chỉ chênh lệch 22%…
Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng thanh toán nếu giá điện đáp ứng những yêu cầu trên, đồng thời thực hiện nhất quán cũng như giải quyết được vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Đồng thời, có sự giám sát trong việc thực hiện, áp dụng các chỉ số đo xa, ghi chỉ số chuẩn, chốt chỉ số, xác định giá điện chính xác, tránh sự ảnh hưởng con người trong quá trình vận hành...