Đừng để “thua ngay trên sân nhà”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn 2 tháng nữa, Thỏa thuận về tự do di chuyển lao động ngành du lịch (DL) trong khối ASEAN (MRA - TP) chính thức có hiệu lực.

Trước sức ép về mặt thời gian, giới chuyên môn không khỏi lo lắng bởi còn quá nhiều bất cập, đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực vẫn chưa theo chuẩn của khu vực.

Cơ hội và thách thức

MRA - TP được các Bộ trưởng DL trong khối ASEAN ký tại diễn đàn DL ATF 2009 là khung trình độ đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của người làm DL theo chuẩn mực chung của khu vực. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục DL) Trần Phú Cường cho biết, triển khai tốt MRA - TP, chúng ta sẽ được rất nhiều lợi ích. Người lao động sẽ có điều kiện để phát huy năng lực, được thừa nhận chuyên môn, dễ dàng có việc làm tại các nước trong khu vực. Trong khi, Việt Nam có thể thu hút lao động tay nghề cao của các quốc gia khác. Đồng thời, năng lực cạnh tranh của DN cũng sẽ được nâng lên nhờ chất lượng lao động, dịch vụ đạt chuẩn khu vực.
Hướng dẫn viên du lịch đưa khách tham quan đền Ngọc Sơn. 	Ảnh: Chiến Công
Hướng dẫn viên du lịch đưa khách tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, MRA - TP cũng mang đến không ít thách thức. Vì lao động các nước có thể “chiếm chỗ” của nhân lực Việt Nam. Nếu người lao động không trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, năng suất lao động, khả năng ngoại ngữ, chúng ta có thể “thua ngay trên sân nhà”. Còn DN trong nước nếu không có chính sách giữ chân người có tay nghề cao thì khả năng cạnh tranh sẽ giảm sút... Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực DL đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Vậy mà, đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có khung trình độ nghề DL quốc gia để so sánh với khung trình độ tương đồng trong khối ASEAN là quá muộn. Bởi đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc triển khai MRA - TP. Ông Trần Phú Cường cho hay, Bộ LĐTB&XH đã soạn Dự thảo Khung trình độ Nghề DL quốc gia và đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt.

Nhiều bất cập

Vì chưa có Khung trình độ Nghề DL quốc gia và hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn nghề DL của Việt Nam cũng như trong khối ASEAN, nên các cơ sở đào tạo DL chưa có giáo trình chung. Hiện nay, các trường nghề thuộc Bộ VHTT&DL chủ yếu áp dụng giáo trình theo hệ thống VTOS do Liên minh châu Âu hỗ trợ, hoặc thí điểm giáo trình chung của các nước ASEAN. Còn các tập đoàn, DN DL lại có bộ tiêu chuẩn đào tạo riêng. Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đang thí điểm Bộ tiêu chuẩn của Malaysia ở các trường nghề thuộc bộ này. Do hàng năm, chúng ta có một lượng lớn lao động xuất khẩu sang Malaysia. “Đó là khía cạnh tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng quá nhiều giáo trình trong một đất nước lại gây ra sự không thống nhất và những khó khăn về mặt thể chế, ứng dụng trong các cơ sở đào tạo, thậm chí cho các DN” - ông Cường băn khoăn. Biết là chồng chéo, rối rắm, nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DL Hà Văn Siêu đành ngậm ngùi: “Dưới góc độ quản lý, chúng tôi chỉ được phối hợp chứ không có quyền quyết định”.

Một bất cập nữa phải kể đến là Bộ tiêu chuẩn các kỹ năng nghề DL của Việt Nam chưa đồng nhất với Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề DL chung trong khối ASEAN. Trong ASEAN có 6 bộ tiêu chuẩn nghề chung, còn ở Việt Nam có 8 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia trong lĩnh vực DL. Tuy nhiên, trong 8 bộ tiêu chuẩn đó lại không có đầy đủ 6 bộ tiêu chuẩn nghề DL chung của ASEAN mà vẫn còn thiếu hai nghề Lễ tân và Buồng. Thêm vào đó, nghề DL trong khối ASEAN sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung, còn ở ta, các tiêu chuẩn nghề mới chỉ có tiếng Việt. Cho nên, chúng ta vẫn chưa có căn cứ để so sánh tiêu chuẩn nghề quốc gia của Việt Nam với tiêu chuẩn nghề trong ASEAN. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, giảng viên được đào tạo để truyền tải tiêu chuẩn Nghề chung của ASEAN hiện nay còn rất thiếu với con số 23 người đã được tham gia các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu ngành DL Việt Nam không sớm giải quyết những bất cập, yếu kém trong công tác đào tạo nguồn nhân lực thì chẳng những khó có thể tranh thủ được lợi ích từ MRA - TP mà còn vướng phải nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”.